Chuyên gia, nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030

Sáng 17-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo phản biện độc lập dự thảo báo cáo chính trị (phần kinh tế - xã hội) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Quang cảnh hội thảo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang; Tiến sĩ Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024, dự kiến kết quả lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu và các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, thông tin về các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo đó, các đột phá phát triển trong dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền để phục vụ phát triển 4 trụ cột (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Nguyễn Đình Thông phát biểu tại hội thảo.

Đột phá thứ 2 là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh đóng góp dự thảo báo cáo chính trị.

Đột phá thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực vượt trội làm động lực chủ yếu cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành đã có nhiều đóng góp, góp ý đối với dự thảo báo cáo chính trị; đặc biệt là đề xuất các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, Tiền Giang cần rà soát, bổ sung nhóm chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động; năng suất lao động; tỷ lệ thất nghiệp thành thị và nông thôn; tỷ trọng kinh tế số; tỷ lệ sinh viên đào tạo đại học… trong dự thảo báo cáo chính trị.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo.

Tiền Giang cần rà soát và mô tả 3 khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025 tương tác với 3 khâu đột phá của Trung ương để xây dựng 3 khâu đột phá trong giai đoạn 2026 - 2030.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh cũng đưa ra các giải pháp để tỉnh Tiền Giang phát triển trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, về công nghiệp, tỉnh cần chú ý và nhấn mạnh ưu tiên thêm phát triển công nghiệp lương thực và thực phẩm. Về đô thị, cần chú ý phát huy vai trò của TP. Mỹ Tho trong vùng ĐBSCL, chuỗi đô thị của tỉnh, tương tác đô thị.

Lãnh đạo các sở, ngành đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Tiền Giang cần tập trung phát triển kinh tế biển, đô thị biển, nuôi biển, du lịch và dịch vụ, công nghiệp biển, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường biển và liên kết với 7 tỉnh trong vùng…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhận các góp ý, giải pháp đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tại hội thảo. Các phát biểu của đại biểu, nhất là chuyên gia, nhà khoa học đúng với định hướng phát triển của tỉnh, đi vào trọng tâm, trên cơ sở khoa học, thực tiễn.

Lãnh đạo các sở, ngành đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, hội thảo cần nghiên cứu, tiếp thu và nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung như: Xác định cụ thể sản phẩm chủ lực, đặc sản, trung tâm đầu mối sản phẩm; giải pháp quản lý vùng trồng, quy mô vùng trồng; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; cơ giới hóa trong nông nghiệp, cụ thể là trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái…

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh mong muốn các nhà khoa học, đại biểu tiếp tục quan tâm đóng góp cho báo cáo chính trị của tỉnh xoay quanh lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sở KH&ĐT tập hợp đầy đủ các ý kiến để phân tích, đánh giá, chọn lọc đưa vào báo cáo để sớm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kịp tiến độ.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/chuyen-gia-nha-khoa-hoc-de-xuat-nhieu-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-tien-giang-nhiem-ky-2025-2030-1029493/
Zalo