Chuyên gia Năng lượng: Không có điện sạch giá rẻ; chắc chắn giá điện sẽ tăng

Chia sẻ tại Tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện', PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng khẳng định, không có điện sạch giá rẻ và chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi: Do biến động của tình hình địa chính trị thế giới và xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi: Do biến động của tình hình địa chính trị thế giới và xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu tiên là tính đúng, tính đủ

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Về cách tính giá điện, kể cả nước tiên tiến và nước không tiên tiến, mỗi nước có cách khác nhau, không có cách tiếp cận chuẩn, đúng cho tất cả hệ thống điện, dù là tiếp cận theo chi phí bình quân hay tiếp cận theo chi phí biên vì ngành điện rất đặc thù.

Ông cho biết, về cách tính toán của các nước, bao giờ cũng có mấy điểm trong cách tiếp cận:

Đầu tiên là tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đây là điểm đầu tiên mà các quốc gia bao giờ cũngcố gắnghướng đến, chắc chắn không thể 100% tính đúng, tính đủ.

Với cách tiếp cận như thế, cơ cấu biểu giá bao giờ cũng phải thể hiện đúng. Việc cung cấp điện cho hộ sản xuất, cho hộ sinh hoạt có khác biệt gì và từ khác biệt đó dẫn tới cơ cấu giá khác biệt thế nào.

Tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và tính chất thị trường

Điểm thứ hai, giá điện của chúng ta "đa mục tiêu quá", còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ. Tuy nhiên giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của Chính phủ. Bảo rằng sản phẩm này 100% theo thị trường là không có; vấn đề là điều tiết như thế nào.

Về cơ bản, phải cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường. Ví như, chúng ta cấp điện ra đảo, chi phí cung ứng là 7.000-8.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn đang bán giá đồng nhất trên toàn quốc là khoảng 2.200 đồng.

Hiện nay chúng ta đang gom vào và vẫn bán như vậy, chứ ở nước ngoài, đương nhiên phải có phần hỗ trợ rất rõ ràng từ phía chính phủ. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch.

Làm sao để xây dựng cơ cấu biểu giá

Thứ ba, từ câu chuyện tính đúng, tính đủ, minh bạch trong chi phí đến câu chuyện xây dựng cơ cấu biểu giá.

Thông thường cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần: Một là tính toán chi phí công suất mà chúng ta gọi là giá công suất (giá thuê bao); hai là chi phí điện năng, thuê bao xong rồi, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Đây là cách tiếp cận thông thường của các nước trên thế giới.

Nhìn lại hệ thống giá của Việt Nam, hiện nay cách tính của chúng ta theo giá bán lẻ điện bình quân, các chuyên gia cho rằng cách tính này có hạn chế. Tuy nhiên, đây không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá.

Nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.

Chúng ta xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014, khi chúng ta mong muốn phát triển sản xuất nên để giá điện sản xuất thấp, chúng ta muốn cân bằng tài chính cho EVN chúng ta buộc phải đẩy giá điện kinh doanh lên.

Trong quá trình đấy, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả đúng vai trò của hộ sản xuất. Nhưng chúng ta để lệch quá và không điều chỉnh, dẫn đến việc bây giờ nếu ngay lập tức xóa bù chéo thì chắc chắn không làm được vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế.

Nhưng rõ ràng phải hành động để từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường. Đây là điều rất cần thiết. PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng phải định vị đúng, không phải vướng mắc về cách tính giá thành, mà quan trọng nhất là công tác điều hành giá.

Giá thành cung ứng điện sẽ cao lên

Dự báo về giá điện, ông Hồi đánh giá: Thứ nhất, trong tình hình hiện nay, cơ cấu nguồn điện dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí.

Tất cả nguồn tái tạo có vào đến mấy thì điện cơ sở vẫn rất quan trọng. Và nếu điện cơ sở quan trọng như thế thì trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng.

Vấn đề địa chính trị như thế này không thể kỳ vọng giá đầu vào ngay lập tức xuống được, thậm chí nó sẽ ở mức dao động mới cao hơn. Phải chấp nhận điều đó.

Thứ hai, chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng mong muốn điện sạch và PGS.TS. Bùi Xuân Hồi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ.

Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chuyen-gia-nang-luong-khong-co-dien-sach-gia-re-chac-chan-gia-dien-se-tang-119240820171652583.htm
Zalo