Chuyên gia giáo dục: Nếu không đổi mới theo hướng số hóa, các trường đại học dễ 'thua ngay trên sân nhà'

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô chia sẻ, trong thời đại công nghệ, các trường đại học nếu không đổi mới về vận hành, về dạy và học theo hướng số hóa thì rất khó để theo kịp thế giới…

TS. Phạm Hiệp cho rằng, giáo dục đại học không nằm ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy không thể đột phá được vì điều này rất khó. (Ảnh: NVCC)

TS. Phạm Hiệp cho rằng, giáo dục đại học không nằm ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy không thể đột phá được vì điều này rất khó. (Ảnh: NVCC)

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam?

Quốc tế hóa giáo dục có hai cách tiếp cận, đó là mục tiêu và phương tiện. Nếu coi quốc tế hóa giáo dục là mục tiêu, tức là chúng ta sẽ hướng đến việc có sinh viên quốc tế hay có giảng viên quốc tế. Nếu coi là phương tiện, chúng ta sẽ áp dụng những chuẩn mực, cách thức tiếp cận của quốc tế như chuẩn trong kiểm định chất lượng quốc tế, phương pháp dạy và học của quốc tế, công bố bài trên các tạp chí quốc tế…

Như vậy, trên cả hai phương diện, giáo dục đại học Việt Nam đều đang cố gắng hội nhập sâu rộng với quốc tế trong khoảng 20 năm qua. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các nghị quyết quan trọng của Đảng và Chính phủ hoặc từ các nỗ lực của từng trường.

Theo ông, để phát huy hiệu quả hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định và công nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín, cần có những giải pháp cụ thể nào?

Hiện nay, công tác kiểm định theo chuẩn quốc tế nhìn chung đang đi đúng hướng, có điều chúng ta chưa đủ nguồn lực, thiếu kiểm định viên chất lượng, các chương trình chưa được kiểm định hết. Đã có nhiều trường bắt đầu tham gia kiểm định quốc tế theo chuẩn của Mỹ, châu Âu như AUN, ACBSP, ABET, HECRES… Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công nhận chính thức một số chuẩn kiểm định quốc tế, điều quan trọng bây giờ là sử dụng, áp dụng như thế nào cho hiệu quả.

Một mặt, theo tôi, phải giảm bớt các hình thức, trách nhiệm giải trình theo cách tiếp cận lối cũ như thanh tra, kiểm tra, từ đó kiểm định chất lượng mới đi vào thực chất. Nếu kiểm định quyết liệt mà những phương thức kiểm soát vẫn theo cách cũ, khiến cho nhà trường bị “bủa vây” bởi quá nhiều báo cáo kiểm tra, thanh tra, kiểm định thì mọi thứ cũng chẳng đi đến đâu.

Vậy bức tranh giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao dưới góc nhìn của ông?

Tôi nghĩ, trong thời gian tới, bức tranh giáo dục đại học nước ta sẽ không có nhiều biến động lớn, vẫn tiếp tục một số chủ trương được vạch ra từ trước như tự chủ, kiểm định chất lượng, quốc tế hóa, chuyển đổi số… Nhưng cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đề ra các chủ trương và phải đi tiếp chứ không thể “đẽo cày giữa đường” thì mới biết được mình đang làm đến đâu.

Tuy nhiên, một số vấn đề căn cốt vẫn chưa giải quyết được trong 10 năm qua như câu chuyện tự chủ tài chính, ngân sách eo hẹp, không dễ mở rộng quy mô trường tư cũng như mở rộng quy mô trong đại học để đạt được con số sinh viên như một nước công nghiệp. Theo tôi, đây là những trở ngại, rào cản trong thời gian tới.

Đúng là, chúng ta có cách tiếp cận đúng trong đổi mới nhưng vẫn loay hoay trong triển khai. Tất nhiên, cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều được, vì giáo dục đại học phải thay đổi từ từ chứ không thể “đốt cháy” giai đoạn.

Từ lâu, chúng ta đã từng có những đề án rất tham vọng như 24 nghìn tiến sĩ nhưng thực tế không dễ đào tạo đủ được con số đó dù trong nước hay quốc tế. Hoặc mục tiêu 450 sinh viên trên một vạn dân nhưng cuối cùng cũng chỉ được con số hơn 200.

Bởi lẽ, chúng ta thay đổi, đầu tư thì thế giới cũng đầu tư, giống cuộc đua ngựa chứ không phải mình chạy nhanh hơn, mình tốt hơn người ta. Giáo dục đại học không nằm ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, không thể đột phá được vì điều này rất khó.

Cá nhân tôi không kỳ vọng nhiều, không “hồ hởi” khi có đề án mới, cũng không thất vọng khi kết quả không như mình nghĩ. Theo tôi, hãy bình tĩnh, đi chậm mà chắc, bình tĩnh quan sát, bình tĩnh vận hành, đổi mới giáo dục đại học từ từ có khi sẽ hiệu quả hơn là đổi mới nửa vời nay thế này, mai thế khác.

Nhưng thực tế là, để thay đổi, các trường đại học cần nguồn lực đầu tư?

Để phấn đấu “đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á” chắc chắn có nhiều việc phải làm và phải đầu tư xứng tầm.

Luật Giáo dục đã khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”; “Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục” và “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.

Trong thực tế, chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua chưa bao giờ đạt con số tối thiểu mà Luật Giáo dục quy định. Rõ ràng, kỳ vọng sự phát triển vượt bậc giáo dục đại học Việt Nam là một thách thức rất lớn.

Vậy bản thân các trường cần làm gì để thu hút đầu tư, theo ông?

Theo tôi, các trường nên siết chặt quá trình tổ chức đào tạo và kiểm định chất lượng đầu ra để sinh viên tốt nghiệp ra trường đảm bảo đủ năng lực làm việc. Nếu siết đầu vào mà thả lỏng đầu ra là không phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới.

Trước đây, thời điểm năm 2005, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra mục tiêu “đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020”. Nhưng vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhiệm vụ mở rộng quy mô giáo dục chúng ta chưa đạt được.

Năm 2023, Quốc hội đã đưa ra một con số: Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước có đầy đủ cơ sở và tiềm năng đạt được mục tiêu đó.

Trong thời đại mới đòi hỏi nguồn nhân lực lao động tiếp thu tri thức mới, có trình độ nhất định, nhằm đáp ứng được những yêu cầu vận hành của công nghệ cao. Những năm gần đây, đất nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển bứt phá hơn, nhu cầu sử dụng lao động trình độ cao tăng lên. Điều này tạo định hướng các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo cũng như nâng cao chất lượng.

Năm 2024, giáo dục đại học Việt Nam đánh dấu 30 năm xây dựng và phát triển đại học vùng và đại học quốc gia; 10 năm triển khai Nghị quyết 29 và cũng là giai đoạn nỗ lực chuyển đổi số quốc gia…

Đối chiếu với các mục tiêu phát triển, suy xét lại vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để cùng nhau kiến thiết lại cách làm mới hy vọng đưa giáo dục đại học Việt Nam vươn lên top 10 khu vực châu Á. Nếu vẫn duy trì mục tiêu phát triển giáo dục bằng khát vọng, giảm chi đầu tư thì khó mà đạt như kỳ vọng.

Ở một khía cạnh khác, trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại cơ hội và những nguy cơ, thách thức gì đối với ngành giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng?

Theo tôi, AI đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít nguy cơ, thách thức. Tôi là người sử dụng AI hằng ngày trong việc nghiên cứu của mình.

Có thể nói, các công cụ ra đời giúp chúng ta tiết kiệm thời gian nhiều hơn. Từ thực tế cá nhân, khi làm nghiên cứu, trước đây có khi tôi phải thực hiện trong 2 tháng, giờ chỉ mất khoảng 3 ngày đã hoàn thành nhờ AI.

Bên cạnh đó, AI cũng khiến chúng ta mất kiểm soát dẫn đến những vi phạm, ảnh hưởng về mặt đạo đức. Đồng thời, AI khiến cho một số công việc, hoạt động trước đây bình thường sẽ bị thay thế.

Do vậy, từng cá nhân, từng người học, từng giảng viên nếu không có sự điều chỉnh, không cập nhật, không biết cách sử dụng AI thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Nói đúng hơn, nếu không thay đổi chính mình, chúng ta sẽ chỉ làm được những thứ mà AI làm được và làm tốt hơn, chính xác hơn và nhanh hơn nhiều.

Vậy giáo dục đại học phải tận dụng lợi thế AI thế nào để không bị tụt hậu?

Trong thời đại công nghệ, nhà trường không đổi mới về vận hành, dạy và học theo hướng số hóa thì rất khó để theo kịp thế giới, thậm chí tụt hậu ngay cả so với các trường khác trong nước. Nói cách khác, nếu chúng ta không làm những việc mọi người làm, thì sẽ bị tụt hậu và tự “chôn sống” chính mình. Bởi vậy, nhiệm vụ của các trường là phải “chuyển mình”, phải thay đổi và Chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ cho việc này.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 1/2023, sau đúng 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Nghị quyết 81 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân”.

Để tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương và mục tiêu về giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-giao-duc-neu-khong-doi-moi-theo-huong-so-hoa-cac-truong-dai-hoc-de-thua-ngay-tren-san-nha-265397.html
Zalo