Chuyên gia giáo dục lên tiếng về Thông tư 'siết' dạy thêm, học thêm
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lí giáo dục Việt Nam cho rằng, quan điểm hướng tới nền giáo dục không dạy thêm, học thêm là rất đúng, có ý nghĩa nhân văn nhưng để thực hiện được Bộ GD&ĐT cùng các địa phương phải đảm bảo chất lượng giáo dục trường học sao cho đồng đều để phụ huynh không cần phải chạy đua chọn trường, chọn lớp.
Theo TS Lâm, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng và trúng đó là: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện; việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và phù hợp với khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh chứ không phải nhồi nhét thêm kiến thức… Và dạy thêm phải có thời lượng phù hợp tâm lí lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh, không phải giáo viên bố trí học cả ngày lẫn đêm. Dạy thêm học thêm để học sinh thích học, biết cách học, có thời gian tự học và học có hiệu quả, tiến bộ so với bản thân.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định 3 đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền học sinh mang ý nghĩa nhân văn, khoa học. Quy định sẽ giúp định hướng cho các nhà trường, giáo viên trong việc dạy và học làm sao đảm bảo chất lượng theo yêu cầu mà không cần “đẻ” ra những giờ học thêm, thu phí; giúp học sinh có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi.
3 vấn đề gốc rễ của dạy thêm, học thêm
Tuy nhiên, TS Lâm cũng khẳng định, các quy định trong thông tư mới chưa phải là “liều thuốc” để giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay. Nguyên nhân thứ nhất là do, nền giáo dục của chúng ta lâu nay chưa hướng tới thực chất nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo cho từng học sinh mà vẫn nặng nề về thi cử, điểm số.
Hiện nay, dù đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được một chặng đường với yêu cầu mới, đó là giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực học sinh nhưng thực tế các nhà trường, phụ huynh, học sinh vẫn chạy đua với điểm số, thi cử, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
“Do đó, hướng giải quyết bài toán dạy thêm, học thêm tràn lan đầu tiên phải kể đến là làm rõ vai trò của nhà trường trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra sao, đã rốt ráo và đem lại hiệu quả thật sự chưa hay nhiều giáo viên vẫn đánh đố học sinh trong kiểm tra, đánh giá”, ông Lâm nói.
Thứ hai là hiện nay vẫn tồn tại các loại hình trường học khác nhau, chất lượng các nhà trường không đồng đều, cơ sở vật chất nơi rộng rãi, nơi nhỏ hẹp, nơi được đầu tư, nơi còn hạn chế… do đó, phụ huynh luôn có nhu cầu chọn trường tốt cho con. Và dĩ nhiên, chọn trường tốt là nguyện vọng chính đáng của người dân, khó cấm cản. Khi đó, học sinh vẫn phải chạy theo các cuộc thi, điểm số tốt để đáp ứng điều kiện tuyển sinh đầu vào.
Bộ GD&ĐT chỉ cho phép dạy thêm trong nhà trường 3 đối tượng và không thu tiền là đúng đắn. Quan hệ thầy trò không gắn liền với lợi ích từ tiền bạc, học trò không phải đi học để làm đẹp lòng thầy cô và các em chỉ đi học thêm khi thật sự có nhu cầu, không phải vì “ông thầy”.
Ngay cả việc Bộ GD&ĐT vừa “cấm” thi tuyển để tuyển sinh lớp 6 cho các trường THCS chất lượng cao hay trường tư nhưng yêu cầu các Sở GD&ĐT xây dựng các tiêu chí xét tuyển cũng là một việc khó khăn. Tiêu chí xét tuyển đối với học sinh tiểu học không có gì khác ngoài điểm số trong học bạ, các kỳ thi, giải thưởng, chứng chỉ kèm theo để các trường lựa chọn học sinh nổi trội hơn.
Bài toán đặt ra là Bộ GD&ĐT cùng các tỉnh, thành phố cần có phương án để đảm bảo chất lượng giáo dục các trường học đồng đều, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất. Các trường học được tự chủ, được quyền tuyển giáo viên, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, khi đó họ phải sáng tạo, hướng đến giáo dục hội nhập. Ngược lại, vẫn tồn tại trường top, trường chất lượng cao và phía giáo viên vẫn ra đề kiểm tra, đánh giá mang tính chất đánh đố, mẹo mực thì sẽ vẫn còn tình trạng học thêm.
Cũng theo TS Lâm, một yếu tố quan trọng, cốt lõi đó là giáo viên phải “sống” được bằng lương, yên tâm với nghề mới không chân trong, chân ngoài dạy chính, dạy thêm.
Thực tế, đồng lương chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống nên vẫn tồn tại kiểu ra bài khó, đánh đố học sinh, không phải những kiến thức phổ cập thông thường. Do đó, Bộ GD&ĐT cần nâng cao chất lượng đội ngũ đồng thời đánh giá về việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay đã và đang được triển khai ra sao, có thật sự theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh hay không.
Bộ GD&ĐT cũng cần hạn chế các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, không giúp học sinh sáng tạo hay có những ý tưởng độc đáo, thiết thực hơn trong đời sống, còn nếu chỉ dạy kiến thức khoa học thì học bao nhiêu cũng không đủ.
Trường học chỉ cần mở cổng ghi danh
Nhìn nhận thực tế, TS Tùng Lâm cho rằng, ở các cấp học một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường học, sĩ số học sinh/lớp cao, là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục không như mong muốn. Học sinh thi THCS lên THPT vất vả, áp lực vì chỉ tiêu tuyển sinh trường công lập hạn chế trong khi học phí các trường tư thục thi nhau tăng, không ai kiểm soát.
Xây dựng thêm trường lớp, giao đất cho các đơn vị tư nhân xây trường và cùng quản lý… là một trong những giải pháp để có thêm trường, lớp ở bậc tiểu học, THPT đảm bảo đủ chỗ học theo đúng tiêu chuẩn, quy định về sĩ số của Bộ GD&ĐT. Cùng với việc đảm bảo chất lượng các trường học đồng đều, học sinh ở phường, xã nào sẽ học đúng tuyến ở đó, phụ huynh, học sinh không có nhu cầu phải học thêm nhiều nơi để thi vào trường tốt.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến, họ tuyển sinh theo cách nhà trường mở cổng ghi danh học sinh cho đến đủ chỉ tiêu tuyển sinh là đóng, không có chuyện lựa chọn học sinh giỏi. Cung cấp dịch vụ giáo dục, kể cả trường tư cũng không cần, không nên lựa chọn học sinh và cần thực hiện mục tiêu giáo dục phổ cập trên địa bàn. Các trường tư từ tiểu học, THCS – THPT của ta hiện nay đang đặt ra các tiêu chí để tuyển sinh và dường như được khuyến khích để chọn học sinh giỏi để đáp ứng nhu cầu cho các trường top. Vòng quay chọn trường sẽ thúc đẩy việc dạy thêm, học thêm triền miên.
TS Tùng Lâm cũng đồng tình với quy định, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình ở bên ngoài. Điều này tránh được hoài nghi, chèo kéo học sinh từ lớp học ra trung tâm học thêm thu tiền. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi nào vẫn còn tuyển sinh vào trường top đầu, thi vượt cấp khó khăn, thi vào trường chuyên, lớp chọn… thì vẫn còn học thêm. Dù Bộ GD&ĐT đã đặt ra nhiều quy định làm khó giáo viên dạy tràn lan, học sinh phải ra các trung tâm nhưng phụ huynh cũng rất khó để kiểm soát chất lượng. Chất lượng dạy học ở các trung tâm như thế nào cũng là vấn đề vì không có ai chịu trách nhiệm.
Về lí do ủng hộ quan điểm trường học hướng tới không dạy thêm, học thêm, TS Tùng Lâm nói rằng, ba yếu tố để phát triển ở một đứa trẻ đó là: Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sống thoải mái, học tập kiến thức - kỹ năng để phát huy hết năng lực của bản thân. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường hiện nay đã dạy học 2 buổi/ngày là đủ.
Ngoài giờ học, các em cần được tham gia các hoạt động giáo dục khác để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. Nếu học sinh có nhu cầu có thể tự học, tự đọc sách vở, nghiên cứu kiến thức mà không cần phải học thêm, trừ các trường hợp học sinh giỏi, học sinh cần bổ túc vì yếu kém. Ngay cả việc dạy thêm cho học sinh yếu và học sinh giỏi trong mỗi nhà trường cũng không nên kéo dài mà chủ yếu giúp các em biết cách tự học.
Thực tế, nhiều trường học hiện nay “xua” học sinh tham gia rất nhiều cuộc thi do các đơn vị bên ngoài tổ chức mang danh quốc gia, quốc tế để lấy thành tích, khoe thành tích. Cách làm như vậy lại khiến phụ huynh phải chạy đua, phải cho con học, đi thi thố. Nhiều phụ huynh còn dồn ép con đi học thêm sau giờ học, học cả ngày nghỉ lễ, cuối tuần để đáp ứng các kỳ thi, không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến trẻ áp lực, căng thẳng, không có thời gian “tiêu hóa” kiến thức được nhồi nhét.
"Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm học thêm là đúng tuy nhiên tôi cho rằng việc này chỉ thực hiện được khi giải quyết tận gốc rễ vấn đề thi cử; các trường học được đảm bảo chất lượng giáo dục ở mức độ đồng đều ở các nhà trường", TS Nguyễn Tùng Lâm.