Chuyên gia: Giá vàng kỳ vọng sẽ được kéo thấp hơn nữa

Dự báo giá vàng có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt, chuyên gia cho rằng, nếu người mua tại thời điểm này mong đầu cơ ngắn hạn kiếm lời thì nhiều khả năng rủi ro cao.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Như Mekong ASEAN đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngày 4/6/2024 là 77,98 triệu đồng/lượng, giảm một triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua.

Ngay sau khi NHNN công bố giá bán vàng miếng, các ngân hàng cũng chính thức công bố giá vàng SJC bán ra trong hôm nay là 78,98 triệu đồng/lượng, giảm một triệu đồng/lượng so với hôm qua và cao hơn một triệu đồng/lượng so với giá bán công bố của NHNN.

Trên thị trường thế giới, cùng thời điểm, giá vàng giao dịch ở quanh mốc 2.346 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, giá vàng quốc tế hiện tương đương mức gần 72 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/ lượng.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới," thông báo mới nhất của cơ quan này khẳng định.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính bày tỏ đồng tình với phương án để 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC bán vàng cho người dân. Theo ông, khi Ngân hàng Nhà nước trực tiếp bán vàng cho các ngân hàng thương mại sẽ không cần đấu thầu vàng, cố định giá cũng hạn chế các ý kiến đa chiều liên quan đến vấn đề giá cao, thấp.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán ra với giá hợp lý và các ngân hàng thương mại Nhà nước bán ra không được cao hơn 15% hay 20% thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm xuống, TS. Thịnh nói.

Chưa kể, với phương thức này, Nhà nước sẽ có thể quản lý chặt chẽ hơn, khi các ngân hàng bán vàng ra sẽ yêu cầu có căn cước công dân cũng như kiểm soát được số lượng, điều này giúp việc mua bán trở nên minh bạch hơn, tránh tình trạng đầu cơ.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này: "Người dân không cần thiết chen chân mua vàng tại thời điểm này khi với giải pháp bình ổn này, giá vàng kỳ vọng sẽ được kéo thấp hơn nữa và ổn định trong thời gian tới".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính.

Cũng chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp bán vàng cho nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với mức giá dựa trên giá thế giới để nhóm này bán vàng cho dân là biện pháp nhằm mục đích kéo giá vàng trong nước về gần hơn với giá thế giới.

Mặc dù đây là biện pháp ngắn hạn nhưng cần thiết để giúp ổn định thị trường trong nước.

"Tuy nhiên về lâu dài, không thể dùng giá kéo giá xuống được mà chỉ có thể dùng giá kéo lượng hoặc dùng lượng kéo giá," ông Nghĩa nói.

Chẳng hạn, khi đưa ra thị trường một khối lượng vàng, người mua sẽ là bên quyết định giá. Nhưng khi mức giá được đưa ra thị trường trước, khối lượng vàng sẽ mua bao nhiêu tại mức giá đó lại là quyết định của người mua. Tức là dùng cách tăng cung để tác động giá vàng chứ lâu dài, không thể dùng giá kéo giá được.

Do vậy, điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra biện pháp hạ nhiệt với mức giá hợp lý, là khả năng cung ứng vàng ra thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu vấn đề.

Ở khía cạnh người mua, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, mục đích các ngân hàng bán vàng bình ổn giá ra thị trường là kéo giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới, tức là kéo giá xuống.

"Việc giảm bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung, về điều này Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động. Ngân hàng Nhà nước cũng có trong tay công cụ độc quyền nhập khẩu cũng như nguồn ngoại tệ để nhập vàng," chuyên gia khẳng định.

Theo đó, ông Nghĩa khuyến cáo các nhà đầu tư rằng giá vàng trong nước sẽ có xu hướng giảm, và chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới ngày càng thu hẹp. Việc người dân xếp hàng mua vàng đối mặt với rủi ro nhìn thấy ngay là giá bán ra hôm nay so với hôm qua đã giảm 1 triệu đồng/ lượng, tức những người mua vàng hôm qua đến hôm nay đã lỗ 1 triệu đồng/ lượng.

"Xu thế này tôi cho rằng có khả năng sẽ còn tiếp tục nữa. Nếu người mua tại thời điểm này mong kiếm lời, đầu cơ ngắn hạn thì nhiều khả năng càng mua càng lỗ vì xu hướng giá vàng đang giảm," TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Liên quan đến thị trường quốc tế, trong báo cập nhật triển vọng thị trường vàng công bố vào tuần trước, các nhà phân tích hàng hóa tại UBS - một ngân hàng lớn tại Thụy Sĩ cho rằng, kỳ vọng về giá vàng thế giới tăng hay giảm sẽ phần nào phụ thuộc vào kịch bản điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu Fed hạ lãi suất làm đồng USD yếu đi sẽ hỗ trợ đà tăng của giá vàng.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc Fed hạ lãi suất sẽ phụ thuộc vào tín hiệu lạm phát hạ nhiệt một cách chắc chắn. Song, khi lạm phát hạ nhiệt thì tài sản trú ẩn an toàn là vàng sẽ không còn giữ "thế thượng phong" so với các kênh đầu tư sinh lời khác.

"Về dài hạn, giá vàng trong nước sẽ diễn biến cùng chiều theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tại thời điểm giá vàng biến động từng ngày giờ, từng ngày này, người dân vẫn nên cẩn trọng với những quyết định 'xuống tiền," chuyên gia này khuyến cáo.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-gia-gia-vang-ky-vong-se-duoc-keo-thap-hon-nua-post35347.html
Zalo