Chuyên gia đề xuất BHYT chi trả từng bước điều trị vô sinh hiếm muộn

Tình hình vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng gia tăng, các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản ngày càng nhiều, trong khi chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn khá cao. Chuyên gia đề xuất BHYT chi trả từng bước điều trị vô sinh hiếm muộn.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị quốc tế chuyên đề "Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản: Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công" khai mạc chiều nay - 7/9 tại Hà Nội.

GS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.

GS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.

Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.

Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, lập gia đình muộn, sinh con muộn và nhiều yếu tố làm gia tăng tỉ lệ vô sinh hiếm muộn của Việt Nam. Cùng đó, áp lực con cái học hành, để sinh con được cũng cần phải tính toán. Nhiều người muốn có điều kiện đầy đủ như có nhà, có xe mới sinh con nên khi đó, người phụ nữ có tuổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh con. Điều này tác động lớn là hệ lụy tới tỉ lệ sinh thay thế.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

"Muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất hơn 2 con. Nhưng đến nay, một số tỉnh, thành ở Việt Nam đặc biệt như TPHCM, Hà Nội, tỉ suất sinh không đạt 2.0. Vì vậy, nguy cơ suy giảm dân số rất hiện hữu. Có nhiều quốc gia trong khu vực đã gặp vấn đề này, điển hình như Hàn Quốc, Nhật Bản... xa hơn, như ở Đức"- GS.TS Nguễn Viết Tiến nói và nhấn mạnh thêm: Ngay bây giờ, nếu không có những phương án, quan tâm về vấn đề vô sinh hiếm muộn, mức sinh thay thế, thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy. Khi tỷ lệ dân số già tăng lên sẽ rất khó xử lý.

Vì sao chuyên gia đề xuất BHYT từng bước chi trả điều trị vô sinh hiếm muộn?

Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho rằng, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh. Ngay cả các nước trên thế giới cũng thừa nhận rằng, kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam phát triển rất nhanh. Nước ta có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh ống nghiệm, có thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.

Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ có thai lâm sàng. Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến điều thách thức là giá dịch vụ còn cao so với thu nhập của hầu hết người dân.

"Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khao khát có con nhưng không thể thực hiện do vấn đề kinh phí"- GS Tiến nêu thực trạng và cho rằng cần có chính sách, chủ trương, đổi mới trong thanh toán BHYT để từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.

Một chuyên gia quốc tế trình bày báo cáo tại hội nghị.

Một chuyên gia quốc tế trình bày báo cáo tại hội nghị.

GS Tiến cho biết thêm, ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được BHYT chi trả. Ví dụ ở Pháp, quốc gia này cho phép làm 4 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm miễn phí, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới phải trả tiền. Trung Quốc cũng đưa 16 dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào hạng mục được BHYT chi trả từ năm 2022. Trong khi ở nước ta hiện nay, người dân đang phải tự chi trả.

"Thực tiễn của Việt Nam, với mức giá đóng hiện tại của BHYT thì BHYT chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF. "Do đó, trước mắt, BHYT nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai"- GS.TS Nguyễn Viết Tiến nêu quan điểm và nói thêm: Nếu chúng ta có chính sách để thay đổi phù hợp, các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sẽ được hưởng lợi, góp phần duy trì, đóng góp việc duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.

Hội nghị quốc tế chuyên đề "Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản: Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công" do Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) phối hợp với Merck tổ chức diễn ra từ 7-8/9. Sự kiện thu hút hơn 1.000 y bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về hỗ trợ sinh sản thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội nghị, các chuyên gia cùng thảo luận các chủ đề như kích thích buồng trứng, cá thể hóa điều trị, vô sinh ở nam giới, bảo tồn khả năng sinh sản, cũng như những khía cạnh kinh tế xã hội ở lĩnh vực sinh sản và y tế trong hỗ trợ sinh sản.

Ông Alexandre De Muralt, Phó Chủ tịch Merck Healthcare Châu Á Thái Bình Dương, cho biết hội nghị là cơ hội để các chuyên gia cập nhật thông tin về hỗ trợ sinh sản trong khu vực châu Á, với mục tiêu chính là giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn rút ngắn thời gian thụ thai.

Ông Alexandre De Muralt, Phó Chủ tịch Merck Healthcare Châu Á Thái Bình Dương, cho biết hội nghị là cơ hội để các chuyên gia cập nhật thông tin về hỗ trợ sinh sản trong khu vực châu Á, với mục tiêu chính là giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn rút ngắn thời gian thụ thai.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-de-xuat-bhyt-chi-tra-tung-buoc-dieu-tri-vo-sinh-hiem-muon-169240907190616609.htm
Zalo