Chuyên gia: Cơ hội chuyển mình cho doanh nghiệp Việt từ mức thuế đối ứng 46% của ông Trump
Mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam đang tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, và đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, đa dạng hóa thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Tác động rất lớn, nhưng cũng là cơ hội tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu
Rạng sáng ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố áp thuế vào tất các đối tác thương mại của Mỹ ở mức 10%, ngoài ra ông cũng tuyên bố danh sách áp thế đối ứng vào các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc 34%, EU 20%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Hàn Quốc 25%, Thái Lan 26%.., trong đó mức áp thuế đối ứng cho Việt Nam lên tới 46%. Việc Mỹ áp thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đặc biệt là một số mặt hàng chủ lực như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, đồ gỗ nội thất,..

Nguồn:TS Bùi Quý Thuấn.
Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Kinh tế Phenikaa, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) nhận định việc Mỹ đánh thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ chuyển mình cho doanh nghiệp Việt.

TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Kinh tế Phenikaa, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA). Ảnh: NVCC.
“Thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tuy nhiên với chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam cao như hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa hơn nữa thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do, các thị trường Việt Nam cần tận dụng và hướng tới trong khuôn khổ các hiệp định như EVFTA, CPTPP, RCEP,...”, TS Bùi Quý Thuấn nói.
Việc đa dạng hóa, tránh tập trung vào một thị trường chính để giảm thiểu rủi ro thương mại từ lâu đã được các Bộ, Ban ngành khuyến cáo doanh nghiệp. Tuy nhiên đây vẫn là điều rất khó thực hiện. Phân tích vấn đề này, TS Bùi Quý Thuấn phân tích: “Việc tránh tập trung vào một thị trường để giảm rủi ro là một điều khó thực hiện, nguyên nhân chính bắt nguồn từ phía các doanh nghiệp, cụ thể như năng lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực có tốt hay không.
Ví dụ về công nghệ, doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm hàng loạt với giá thành cạnh tranh hoặc sản phẩm cho từng thị trường khác nhau hay không. Về nguồn nhân lực, doanh nghiệp có nhân lực tốt để có thể am hiểu về môi trường kinh doanh, văn hóa kinh doanh cũng như đặc điểm tiêu dùng của nhiều thị trường hay không và đáp ứng thị trường đó bằng cách nào? Đây là câu hỏi khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với năng lực tài chính hạn chế. Giải pháp cho vấn đề này, đó là doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính và công nghệ, am hiểu các thị trường và khả năng quản lý. "
Tại buổi họp báo chiều 4/4, trả lời báo chí liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như các giải pháp mà Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh giải pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Với 17 hiệp định FTA đã ký, Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỷ USD.
Những doanh nghiệp đủ năng lượng được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính như Mỹ và EU, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và lô hàng lớn về xuất khẩu. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia Bộ đã hỗ trợ tích cực nhóm doanh nghiệp này.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa ít kinh nghiệm xuất khẩu, Bộ hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin thị trường để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng. Bộ đã có chương trình đào tạo hướng dẫn thực thi FTA, tổ chức khóa học diễn đàn và hội thảo cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Để khai thác được các FTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và bộ đã hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này. Cùng đó, Bộ cũng đẩy mạnh đàm phán FTA với các nước, song không phải nước nào Việt Nam cũng đàm phán FTA. Việc thảo luận đàm phán trên cơ sở nghiên cứu báo cáo khả thi xem có thể mở cửa những mặt hàng gì, giúp doanh nghiệp hưởng lợi.
Kỳ vọng chính quyền Mỹ sẽ kéo dài thời gian áp dụng của sắc thuế từ 1 - 3 tháng
Tại cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao để bàn các giải pháp về thuế quan với Mỹ chiều 4/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam thiện chí đàm phán với phía Mỹ để sớm tìm tiếng nói chung. Theo ông, Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế.
Ông Phớc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán. Đồng thời, ông lưu ý các doanh nghiệp chủ động giải pháp phù hợp, hiệu quả để "giữ thị trường Mỹ".
Đồng quan điểm, TS Bùi Quý Thuấn cũng kỳ vọng chính quyền Mỹ sẽ kéo dài thời gian áp dụng của sắc thuế từ 1 - 3 tháng với Việt Nam để hai bên thảo luận và đàm phán cụ thể hơn đối với các nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu với giá trị lớn vào Mỹ.
“Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh mua hàng của Mỹ như máy móc, thiết bị, khí hóa lỏng (LPG), máy bay và các mặt hàng có thế mạnh của Mỹ khác, thậm chí có thể bao gồm các mặt hàng thiết bị quân sự và đồng thời mời các nhà đầu tư của Mỹ đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đề cập với Mỹ liên quan đến thương mại dịch vụ trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia”, vị này nói thêm.