Chuyên gia: Chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản đang bắt đầu
Nhà ở thương mại đang được tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý để tiếp tục hoàn thiện, mở bán; nhà ở xã hội bước đầu đã có nhiều dự án được khởi động và có những dự án được mở bán theo quy định.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Chia sẻ tại Diễn đàn “Bất động sản mùa Xuân thường niên lần thứ V” diễn ra trong ngày 19/2, tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan cho rằng chính sách và hành lang pháp lý mới về đất đai, nhà ở… đã và đang giúp thị trường bất động sản có những chuyển động tích cực ở cả phía “cung” và “cầu.” Một chu kỳ tăng trưởng mới đang bắt đầu.
Tín hiệu tích cực
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ năm 2022 đến nay có rất nhiều cơ chế chính sách của Chính phủ đề xuất và ban hành đã được Quốc hội thông qua, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Trong đó, lĩnh vực bất động sản có đóng góp cao vào GDP và tác động rất lớn đến các ngành kinh tế khác.
Trong giai đoạn trên, các bộ, ngành cũng đã đóng góp cho Chính phủ rất nhiều giải pháp và đây là thuận lợi cho thị trường bất động sản.
Nhờ đó, những nút thắt của thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ một cách đồng bộ. Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy bất động sản công nghiệp đã được duy trì phát triển tốt nhất với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Nhà ở thương mại dần được tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý để tiếp tục hoàn thiện, mở bán. Nhà ở xã hội bước đầu đã có nhiều dự án được khởi động và có những dự án được mở bán theo quy định; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái cũng dần hồi phục.
Đặc biệt, chiều 18/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (dự án thí điểm) thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
“Đó là những tín hiệu chỉ báo tích cực cho sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2025,” ông Khôi chia sẻ.

Thị trường bất động sản đang có nhiều chỉ dấu phục hồi. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay thông thường vẫn có quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi" nên không có khách mua nhà ở. Tuy nhiên, với dự án vừa mở bán của doanh nghiệp này, tốc độ bán còn nhanh hơn so với đợt cuối năm 2024.
"Như vậy, tín hiệu thị trường đã cho thấy sự hồi phục. Nhìn chung, sức mua đã có sự tăng trưởng hơn trước," ông Hiệp nhấn mạnh.
Vẫn cần "khơi thông" những "điểm nghẽn" chính sách
Tuy vậy, ông Hiệp cũng lưu ý nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách. Thông thường doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án; hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh, thành phố công bố bảng giá đất mới. Theo ông Hiệp, nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn khiến doanh nghiệp chậm trễ ra dự án mới. Thực tế cho thấy hiện nhiều doanh nghiệp mất 1-2 năm vẫn không tính được giá đất.
Thứ hai là chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều doanh mà các nghiệp mong muốn được các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp.
"Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án bất động sản sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, nếu chúng ta kích thích đầu tư tư nhân thì GDP chắc chắn tăng trưởng. Như vậy, cũng thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng theo,” ông Hiệp chia sẻ và hy vọng những vướng mắc về thể chế sẽ được tháo gỡ để bất động sản có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng nhìn nhận Việt Nam phát triển như ngày nay được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong đó có vai trò rất lớn của ngành bất động sản, du lịch.
“Hiện chúng ta đang nói nhiều về không gian ngầm và biển,… tôi cho rằng cần đi sâu hơn và cần phải có thể chế, chính sách tháo gỡ, từ đó tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển bền vững,” ông Chính nói.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Trong lĩnh vực quy hoạch, ông Chính cho biết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua. Luật Thủ đô 2024, Luật Đất đai 2024,… cũng đã có những quy định xử lý các vấn đề liên quan đến đô thị như nhà ở, chung cư cũ. Đặc biệt, Luật Thủ đô đã giải quyết rất nhiều vướng mắc để làm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, thông ông Chính, việc Chính phủ đang đẩy nhanh việc cải tạo, phát triển hệ thống sân bay, đơn cử như việc phát triển sân bay Gia Bình, sẽ tạo tiền đề để phát triển đô thị, hạ tầng, gia tăng hệ thống đường giao thông kết nối. Hay như sân bay Long Thành và nhiều sân bay khác cũng đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng "sân bay vũ trụ."
"Đó cũng chính là những cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong thời gian tới," ông Chính nhấn mạnh./.