Chuyên gia chống độc khuyến cáo về thói quen tích trữ đồ ăn dịp Tết

Cuối năm, Tết và dịp lễ hội luôn là thời điểm có nhiều cuộc liên hoan, đây cũng là thời điểm cần cảnh giác cao độ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt thói quen tích trữ đồ ăn tiềm ẩn rất lớn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, sau Tết mùa lễ hội kéo dài an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, do đó kiểm soát kỹ nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn phải được cảnh giác cao.

Theo chuyên gia chống độc, sẽ có hai nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính.

Nhóm thứ nhất bao gồm: Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; Thực phẩm giá rẻ, không nhãn mác, quy trình sản xuất không đảm bảo, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực phẩm chứa phụ gia độc hại (một số cơ sở sản xuất lạm dụng hoặc sử dụng các loại hóa chất, phẩm màu độc hại để bảo quản để tạo màu sắc hấp dẫn cho thực phẩm); Thực phẩm chế biển sẵn không đảm bảo vệ sinh (thực phẩm handmade, các món ăn đường phố, chế biến sẵn tại các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thường dễ nhiễm vi khuẩn như Salmonella, E. coli…).

Một trường hợp ngộ độc rượu khi được điều trị tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

Một trường hợp ngộ độc rượu khi được điều trị tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

Nhóm thứ hai là do một số yếu tố từ người tiêu dùng như: Bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến ôi thiu, nhiễm khuẩn; Tích trữ quá nhiều khiến thực phẩm hư hỏng, khi chế biến có thể gây ngộ độc; Tham gia nhiều bữa tiệc liên tiếp, ăn uống không kiểm soát, kết hợp nhiều loại thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc,…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy cho đến các trường hợp nguy kịch như suy gan, suy thận hoặc thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất nên cần phải thận trọng hơn cả.

Cách đề phòng ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, Tết và lễ hội

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những thời điểm cuối năm, dịp Tết và lễ hội, người dân cần:

Lựachọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên mua hàng tại các cơ sở uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm; Trước khi mua hàng cần kiểm tra kỹ thực phẩm, đảm bảo thực phẩm tươi, không có mùi lạ, không bị biến màu; Hạn chế ăn các loại thực phẩm đường phố không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt với các món ăn nhanh, chế biến tại chỗ, kinh doanh theo kiểu thời vụ, "chớp nhoáng"; Không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, tránh mua các loại rượu tự nấu hoặc không có nhãn mác rõ ràng.

Thực phẩm cần được bảo quản đúng cách. (Ảnh minh họa).

Thực phẩm cần được bảo quản đúng cách. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, người dân cần bảo quản thực phẩm đúng cách, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Các món ăn thừa cần được đun lại, để nguội sau đó cho vào hộp kíp và bảo quản trong tủ lạnh để tránh việc vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập, trước khi ăn cần đun nóng một lần nữa.

"Người dân không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, nguy cơ thực phẩm ôi thiu sẽ cao hơn so với việc nấu ăn từng bữa. Chỉ nên mua và chế biến vừa đủ ăn vì hàng quán hoạt động lại rất sớm, người dân có thể yên tâm không cần tích trữ. Người dân cũng cần ăn uống một cách kiểm soát, không ăn cùng một lúc các loại thực phẩm kỵ nhau, có thể làm tăng nguy cơ gây ngộ độc", chuyên gia chống độc hướng dẫn.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho rằng, ngoài ý thức của người tiêu dùng, để ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong những dịp này. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thực phẩm sạch.

"An toàn thực phẩm trong dịp cuối năm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi người dân cần tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách tiêu dùng thông minh và có ý thức. Đừng để những bữa tiệc vui cuối năm trở thành nỗi ám ảnh bởi những sự cố không đáng có", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

Cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Chuyên gia chống độc cũng cho hay, khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần ngay lập tức ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ, sau đó theo dõi, quan sát các triệu chứng.

Trong trường hợp ngộ độc nhẹ như nôn, đau bụng, đi ngoài, cần cho người bệnh uống nhiều nước, có thể các loại nước điện giải tránh mất nước, ăn các món ăn dễ tiêu như cháo. Cần chú ý giữ ấm cơ thể, không tự ý dùng thuốc, tiếp tục theo dõi các triệu chứng.

Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp nhận các loại nước điện giải bằng đường uống do nôn nhiều cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Ngoài ra, khi có các biểu hiện nghiêm trọng như tiêu chảy quá nhiều, co giật, khó thở, mất ý thức,… cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chong-doc-khuyen-cao-ve-thoi-quen-tich-tru-do-an-dip-tet-169250123154149004.htm
Zalo