Chuyên gia cho biết thuế đối ứng có thể đàm phán xuống mức 10%

Các chuyên gia cho rằng đàm phán giữa 2 quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%.

Sáng ngày 03/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế suất cao nhất lên tới 46%. Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như Campuchia ở mức 49%, Thái Lan 36%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%. Riêng Trung Quốc trước đó đã bị đánh thuế 20%, giờ bị áp thêm 34% nữa là 54%. Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã chịu thuế 25% đối với nhiều hàng hóa và sẽ không bị áp thêm thuế mới.

Theo kế hoạch, mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi mức thuế quan đối ứng - áp dụng với khoảng 60 quốc gia - dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với một loạt nền kinh tế. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với một loạt nền kinh tế. Ảnh: AFP

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm GĐ SSI Research cho rằng ảnh hưởng của mức thuế đối ứng trên đến Việt Nam là rất lớn, có thể khoảng 7% GDP. Chính sách thuế này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Việt Nam hay 60 quốc gia trong danh sách mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Việc suy thoái kinh tế thế giới là khó tránh khỏi. Mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn, có thể so sánh với các đợt suy thoái trong quá khứ hay như giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng ảnh hưởng của thuế suất sẽ chỉ là ngắn hạn. Việc đàm phán giữa 2 quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%.

Ảnh hưởng của thuế suất có thể chỉ là ngắn hạn. Ảnh minh họa

Ảnh hưởng của thuế suất có thể chỉ là ngắn hạn. Ảnh minh họa

Cụ thể, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cũng phát biểu mức thuế này có thể được điều chỉnh thông qua đàm phán.

TS Bùi Lê Minh – Giảng viên Khoa Tài chính, Đại học FPT cũng cho rằng mức thuế 46% được nhắc tới có thể mang tính định hướng đàm phán nhiều hơn là một biện pháp đã hoàn toàn chốt áp dụng.

"Con số 46% có thể chỉ là mức trần. Vì bản chất con số 90% Việt Nam đánh thuế cũng mang tính chất rất hình thức. Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 136,6 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 13,1 tỷ USD. Nếu lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 123,5 USD chia cho 136,6 là ra 90%".

Hiện nay, trong báo cáo 400 trang do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố về rào cản thương mại, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá liên quan đến Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều. Các chính sách đang được điều chỉnh và triển khai nhanh.

Nhiều vấn đề là rào cản thương mại Việt - Mỹ đã và đang được xử lý mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Nhiều vấn đề là rào cản thương mại Việt - Mỹ đã và đang được xử lý mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tiến một bước dài trong việc thể hiện thiện chí với Mỹ đối với mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, như giảm thuế với 14 mặt hàng, chấp thuận đầu tư cho Starlink,… Đặc biệt, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Việt Nam đến Mỹ, ngay lập tức ngày 1/4 đã có bản dự thảo về Nghị định liên quan đến Kiểm soát thương mại chiến lược, hỗ trợ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại và đầu tư. Đây là một hành động mạnh từ phía Việt Nam thể hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại với Mỹ.

Liên quan đến những cam kết về chuyển tải hàng hóa, những hàng hóa lẩn tránh mức thuế cao, đi sang Việt Nam sau đó tái xuất sang Mỹ, ông Hưng cho rằng Việt Nam sẽ xử lý mạnh tay tình trạng này thời gian tới. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng sẽ chủ động trong việc giải quyết các quan ngại của Hoa Kỳ, bao gồm việc gần đây giảm thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng chiến lược như ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG và nông sản. Bên cạnh đó, để thúc đẩy đàm phán, các biện pháp có thể được xem xét bao gồm tăng cường mua hàng hóa Mỹ, giảm thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam, mở cửa thị trường nông sản Mỹ.

Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, thời điểm này nhà đầu tư nên hạn chế các hành động cảm tính. Thay vào đó, nên theo dõi sát các tín hiệu từ cơ quan chức năng, phân tích kỹ từng nhóm ngành để có phản ứng phù hợp.

Vân Chi

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/giai-tri/chuyen-gia-cho-biet-thue-doi-ung-co-the-dam-phan-xuong-muc-10-202504041429548414.html
Zalo