Chuyên gia chỉ ra 2 lý do khiến nhiều người trẻ suy thận

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh suy thận nhiều ở người trẻ tuổi.

 Một bệnh nhân 20 tuổi mắc suy thận mạn đang lọc máu. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân 20 tuổi mắc suy thận mạn đang lọc máu. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) chia sẻ trong buổi họp báo kỷ niệm Ngày Thận học Thế giới diễn ra sáng 14/3 tại bệnh viện.

Khoa Nội thận - Thận Nhân tại bệnh viện này đang theo dõi, điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc suy thận, nhưng điều đáng lo ngại là 20% trong số này nằm trong độ tuổi rất trẻ.

"Điều đáng buồn là hầu như người bệnh phát hiện mình mắc suy thận khi đã ở giai đoạn nặng, khi phải vào viện chạy thận cấp cứu", PGS Bách chia sẻ.

Hai căn bệnh nguy hiểm

Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, người trẻ mắc bệnh suy thận do 2 nguyên nhân thường gặp.

Nguyên nhân đầu là bệnh lý viêm cầu thận. Bệnh chủ yếu gặp nam giới. Người mắc viêm cầu thận không có biểu hiện cụ thể, không phù, không có bất thường trong nước tiểu, chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm. Manh mối dễ nhận biết nhất là người bệnh viêm cầu thận có thể có hiện tượng huyết áp cao.

Chính vì vậy, đa số người bệnh được chẩn đoán viêm cầu thận khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

 PGS Nguyễn Bách điều trị cho một bệnh nhân suy thận đang điều trị tại khoa Nội thận - Thận nhân tạo. Ảnh: Linh Thùy.

PGS Nguyễn Bách điều trị cho một bệnh nhân suy thận đang điều trị tại khoa Nội thận - Thận nhân tạo. Ảnh: Linh Thùy.

Nguyên nhân thứ 2 là viêm ống kẽ thận. Người mắc bệnh này chủ yếu do sử dụng, lạm dụng thuốc và hóa chất không đúng chỉ định. Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân này gặp nhiều hơn ở người Việt.

"Không chỉ có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, nhiều người mắc bệnh thận vì sử dụng thuốc tùy tiện, không có nguồn gốc rõ ràng hay được hướng dẫn cụ thể bởi bác sĩ... Đây cũng chính là yếu tố gây ra nguy cơ mắc bệnh thận ở nhiều người trẻ", PGS Bách nhận định.

Theo PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nếu không may mắn, bệnh suy thận mạn diễn tiến đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng các phương pháp như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận nếu có điều kiện.

Tuy nhiên, những phương pháp này đều có những nhược điểm riêng. Kể cả ghép thận là phương pháp tốt nhất, gần như có thể hồi sinh cuộc sống bệnh nhân nhưng rất khó kiếm được nguồn tạng hiến thích hợp.

"Chính người nhận thận chưa cũng chắc đảm bảo đủ sức khỏe để có thể phẫu thuật và điều trị chống thải ghép sau phẫu thuật", PGS Quế cho hay.

8 nguyên tắc phòng bệnh thận

Suy thận có thể gây ra gánh nặng kinh khủng cho bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội. Do đó, mọi người cần thường xuyên khám tầm soát để sớm phát hiện và điều trị bệnh (nếu có).

Chỉ với chi phí chưa đến 70.000-100.000 đồng cho một lần khám tầm soát gồm 3 bước: đo huyết áp, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu để đo độ lọc cầu thận, mọi người đã có thể phát hiện mình có nguy cơ mắc bệnh thận hay không.

"Nhóm người có nguy cơ cần được tiếp tục xét nghiệm chuyên sâu để sớm phát hiện bệnh", PGS Bách cho biết.

 Bệnh nhân suy thận đang được lọc máu tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: D.T.H.

Bệnh nhân suy thận đang được lọc máu tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: D.T.H.

Theo chuyên gia, mọi người nên rèn thói quen uống nhiều nước và quan sát nước tiểu ngay sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh thận.

Nếu nước tiểu có màu bất thường như đỏ máu, có bọt nhiều bất thường, mọi người nên đi tầm soát ngay để được chẩn đoán sớm bệnh thận. Nếu nước tiểu có màu vàng, mọi người nên uống thêm nước để đảm bảo sức khỏe thận.

Chuyên gia này khuyến khích mọi người nên tuân thủ 8 nguyên tắc phòng bệnh thận của Hội Thận học quốc tế:

- Tập thể dục đều đặn hàng ngày

- Tránh thừa cân hoặc béo phì bằng chế độ ăn uống, vận động thể lực

- Chế độ ăn uống:

Giảm lượng muối, nên 5-6 g/ngày. Ăn thức ăn tươi, không ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Lượng đạm ăn vào vừa phải, nên kết hợp cân đối đạm động vật và thực vật.
Duy trì một lượng nước uống vừa phải: 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

- Không hút thuốc lá

- Không tự ý dùng lâu dài các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và các thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc

- Phòng bệnh đái tháo đường

- Phòng bệnh tăng huyết áp

- Kiểm tra xét nghiệm nước tiểu, chức năng thận định kỳ

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gia-chi-ra-2-ly-do-khien-nhieu-nguoi-tre-suy-than-post1464846.html
Zalo