Chuyên gia cảnh báo: Cầm vô lăng sai cách có thể nguy hiểm hơn bạn tưởng

Thói quen cầm vô lăng sai cách không chỉ khiến bạn dễ mất kiểm soát khi xảy ra sự cố, mà còn có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng như gãy cổ tay.

Trong nhiều năm về trước, các giáo viên dạy lái xe đã dạy chúng ta rằng tư thế đặt tay trên vô lăng ở vị trí "10 và 2" như kim đồng hồ chỉ 10 giờ và 2 giờ là cách cầm lái chuẩn mực an toàn. Nhưng đó là khi túi khí còn chưa xuất hiện trên mọi vô lăng.

Nhiều người lái xe hiện nay vẫn có thói quen đặt tay trên vô lăng ở vị trí 10 và 2 giờ. Ảnh: Progressive

Nhiều người lái xe hiện nay vẫn có thói quen đặt tay trên vô lăng ở vị trí 10 và 2 giờ. Ảnh: Progressive

Giờ đây, với sự ra đời của túi khí, vị trí đặt tay trên vô lăng đã có những thay đổi khuyến nghị so với trước đây. Sự phát triển của công nghệ hiện đại cho phép túi khí có thể bung ra trong tích tắc, với vận tốc lên tới 360 km/h, nhanh đến mức có thể khiến cánh tay có thể bị đẩy ngược lại vào mặt và ngực người lái, gây chấn thương nghiêm trọng.

Chính vì thế, nếu ai đó vẫn có thói quen cầm vô lăng ở vị trí "10 và 2", họ có thể đang vô tình tự đặt mình vào tình huống cực kỳ nguy hiểm mỗi khi lên xe.

Đặt tay trên vô lăng thế nào cho đúng?

Các tài xế đóng thế chuyên xử lý các tình huống rủi ro nhất trong phim hành động – từ lâu đã từ bỏ cách cầm vô lăng cũ và họ đã chia sẻ bí quyết giúp lái xe an toàn hơn. Họ khuyên mọi người lựa chọn cách cầm vô lăng ở vị trí "9 và 3" nhưng hãy ưu tiên đặt tay trên vô lăng ở vị trí "8 và 4" nhiều hơn.

Theo chuyên gia Jonathan Wessel và huấn luyện viên đóng thế Bobby Ore của Hollywood, lý do rõ ràng nhất là vì tư thế cầm vô lăng "8 và 4" sẽ yêu cầu người lái xe hạ tay xuống thấp hơn một chút trên vô lăng. Tư thế này sẽ giúp tay bạn tránh xa vùng bung của túi khí, giảm đáng kể nguy cơ chấn thương liên quan đến túi khí, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát tối ưu.

Cách cầm vô lăng "8 và 4" được các tài xế chuyên nghiệp khuyến nghị sử dụng. Ảnh: Economic Times

Cách cầm vô lăng "8 và 4" được các tài xế chuyên nghiệp khuyến nghị sử dụng. Ảnh: Economic Times

Jonathan Wessel cho biết đặt tay trên vô lăng ở vị trí "8 và 4" giúp vai và cánh tay được thư giãn hơn, giảm căng thẳng cơ bắp trong suốt hành trình dài. Vị trí này có thể tạo cảm giác thoải mái hơn so với vị trí cầm "9 và 3" hiện đang được nhiều tài xế sử dụng, đặc biệt là khi lái xe đường trường ít phải thao tác lái gấp.

Ngoài ra, cách đặt tay trên vô lăng ở vị trí "8 và 4" còn giúp tài xế phản xạ nhanh và chính xác hơn trong tình huống bất ngờ, như né động vật băng qua đường hoặc xử lý khi xe phanh gấp. "Nó giúp bạn sẵn sàng cho mọi tình huống trên đường", Ore khẳng định.

"Lái xe xáo trộn" - Kỹ thuật ít ai biết nhưng cực kỳ hiệu quả

Không chỉ thay đổi thay đổi vị trí đặt tay trên vô lăng, các tay lái chuyên nghiệp còn áp dụng kỹ thuật “lái xe xáo trộn” (shuffle steering) để tăng độ an toàn. Thay vì xoay vô lăng theo kiểu vắt chéo tay, kỹ thuật này cho phép bạn giữ cả hai tay trên vô lăng mọi lúc mà vẫn điều khiển linh hoạt.

Chuyên gia lái xe hướng dẫn kỹ thuật “lái xe xáo trộn” (shuffle steering) để tăng độ an toàn. Nguồn video: Dave Storton

Ví dụ khi cần rẽ phải, bạn kéo vô lăng lên bằng tay trái, đồng thời tay phải trượt lên tiếp nhận, rồi kéo xuống – trong khi tay trái trượt xuống theo. Cứ thế, tay bạn luôn phối hợp nhịp nhàng, không vắt chéo, không rời khỏi vô lăng, và quan trọng nhất là không chắn trước túi khí.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vị trí cầm vô lăng "9 và 3" vẫn được nhiều tổ chức an toàn và trường dạy lái xe khuyến nghị là vị trí tiêu chuẩn vì nó mang lại sự cân bằng tốt giữa kiểm soát và an toàn cho hầu hết các tình huống lái xe.

Việc lựa chọn giữa "9 và 3" hay "8 và 4" có thể phụ thuộc vào sở thích cá nhân, sự thoải mái và loại xe đang lái. Điều quan trọng nhất là giữ cả hai tay trên vô lăng ở một vị trí cho phép bạn kiểm soát xe một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chấn thương trong trường hợp túi khí bung.

Tuyệt đối tránh các vị trí đặt tay không an toàn như vị trí 12 giờ hoặc chỉ dùng một tay lái xe trong điều kiện giao thông phức tạp. Bởi đôi khi, chỉ một thói quen nhỏ cũng có thể tạo nên khác biệt giữa an toàn và tai nạn khi lái xe.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-canh-bao-cam-vo-lang-sai-cach-co-the-nguy-hiem-hon-ban-tuong-2391242.html
Zalo