Chuyện gì đang xảy ra với USAID

USAID phân phối hàng chục tỷ USD viện trợ mỗi năm và là công cụ quan trọng giúp Washington thúc đẩy quyền lực mềm trên phạm vi toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xác nhận kế hoạch sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao. Động thái này được cho là sẽ thu hẹp đội ngũ của USAID và điều chỉnh mức chi tiêu của cơ quan này sao cho phù hợp với ưu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố bản thân là quyền quản trị viên của USAID, trong khi nhiều nhân viên của cơ quan này không thể tiếp cận trụ sở chính ở Washington, theo Guardian.

 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tạm thời là người điều hành USAID. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tạm thời là người điều hành USAID. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump đã trao quyền "định đoạt" dự án sáp nhập này cho tỷ phú Elon Musk, đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).

Ngày 2/2 (giờ địa phương), ông Trump cáo buộc USAID "được vận hành bởi những người cực tả cuồng trí" trong khi tỷ phú Musk cho rằng cơ quan này là "một tổ chức tội phạm" và "cần phải chết" song không cung cấp bằng chứng gì.

USAID là gì?

USAID được Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào năm 1961, thời điểm Chiến tranh lạnh đang trong giai đoạn căng thẳng. USAID được xem là một công cụ đắc lực phục vụ chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm chống lại sức ảnh hưởng của các đối trọng nước ngoài.

USAID quản lý khoảng 60% hoạt động viện trợ của Mỹ ở nước ngoài và đã giải ngân 43,79 tỷ USD trong năm tài khóa 2023. Cơ quan này có đội ngũ khoảng 10.000 người và các hoạt động trải dài trên 130 quốc gia. Nguồn vốn của USAID được tài trợ bởi Quốc hội.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) hỗ trợ "các quốc gia chiến lược quan trọng và các quốc gia trong vùng xung đột, dẫn đầu nỗ lực của Mỹ trong việc xóa đói giảm nghèo, loại bỏ bệnh tật và viện trợ nhân đạo; đồng thời trợ lực cho lợi ích thương mại của Mỹ bằng cách hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế và xây dựng khả năng tham gia vào nền thương mại thế giới".

Các nước nhận viện trợ nhiều nhất từ USAID trong năm 2023 bao gồm Ukraine, Ethiopia, Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Yemen, Afghanistan, Nigeria, South Sudan và Syria.

 USAID là cơ quan có lịch sử hoạt động trong hơn 6 thập kỷ. Ảnh: Reuters.

USAID là cơ quan có lịch sử hoạt động trong hơn 6 thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù Mỹ có các khoản viện trợ chính phủ lớn nhất thế giới song mức đóng góp trên tổng thu nhập quốc dân vào năm 2020 thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Trong những năm gần đây, theo thống kê của Viện Brookings, các khoản viện trợ của Mỹ rơi vào khoảng 0,33% tổng sản phẩm quốc nội. Con số này trong giai đoạn Chiến tranh lạnh dao động từ 0,5-1%.

USAID là đơn vị quyên góp viện trợ lớn nhất thế giới. Trong năm tài khóa 2023, thông qua USAID, Mỹ đã giải ngân 72 tỷ USD viện trợ trên phạm vi toàn cầu cho các hạng mục như chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong các khu vực xung đột, điều trị HIV/AIDS, cung cấp nguồn nước sạch, an ninh năng lượng và phòng chống tham nhũng.

USAID cung cấp 42% lượng viện trợ mà Liên Hợp Quốc có thể thống kê được trong năm 2024, theo Reuters.

Hệ quả từ việc đóng cửa USAID

Trong một sắc lệnh hành pháp ký ngày 20/1 (giờ địa phương), Tổng thống Trump ra chỉ thị ngưng hầu hết khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày, cho rằng "ngành công nghiệp viện trợ nước ngoài không phù hợp với lợi ích của Mỹ và thậm chí đi ngược lại các giá trị của người Mỹ trong nhiều trường hợp".

"Các khoản viện trợ này góp phần gây bất ổn thế giới khi thúc đẩy nhiều ý tưởng ở nước ngoài trực tiếp làm đảo ngược các mối quan hệ hài hòa và ổn định bên trong và giữa các quốc gia", sắc lệnh của ông Trump tuyên bố.

Trong một biên bản ghi nhớ, chính quyền ông Trump yêu cầu các nhân viên USAID tham gia nỗ lực chuyển đổi cách Washington phân bổ viện trợ theo chính sách "nước Mỹ trên hết" của tổng thống và đe dọa sẽ đưa ra các hình thức kỷ luật cho những trường hợp bất tuân thượng lệnh.

 Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu ngưng các khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu ngưng các khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.

Một nguồn tin thân cận với USAID nói với Guardian rằng sự sáp nhập vào Bộ Ngoại giao sẽ là một tổn thất lớn. Bởi lẽ, trong quá khứ, USAID từng cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia mà Washington không có quan hệ ngoại giao, bao gồm Iran và Triều Tiên.

Điều này được cho là đã xây dựng một số cầu nối và việc ngưng hoạt động tại những quốc gia nói trên có thể làm Mỹ đánh mất một số lợi ích quan trọng.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-usaid-post1529154.html
Zalo