Chuyện đón Tết ở ngành dệt may
Thưởng Tết là mong muốn chung của rất nhiều người lao động (NLĐ) hiện nay, bởi ngoài có thêm một khoản tiền, đây còn là niềm động viên tinh thần rất lớn, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với NLĐ. Đặc biệt, trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn như những năm qua, điều này càng trở nên trân quý hơn.
Thưởng tết hơn 18 triệu đồng/người
Nhiều năm làm công nhân may tại Tổng Công ty May 10 (quận Long Biên, Hà Nội), chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Hoa (trú quận Long Biên) bớt chờ mong thưởng Tết. Những ngày cuối năm, chị cũng như nhiều NLĐ khác đều mong ngóng tiền thưởng Tết. Bởi đây là khoản thu nhập chính giúp chị và các công nhân khác chuẩn bị đón Tết trong gia đình, quà cáp cho hai bên nội, ngoại… được chu đáo, đủ đầy.
Theo chị Hoa, cả năm đi làm, thu nhập căn bản cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, chỉ dư dả một chút. “Tết đến, trăm thứ phải chi, bởi vậy, công nhân chúng tôi rất mong có khoản thưởng Tết kha khá. Năm nay, công việc đều đặn suốt năm, anh em rất hy vọng sẽ có mức thưởng Tết tốt hơn”.
Anh Bùi Anh Tùng (trú huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), công nhân Công ty CP Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) cũng háo hức chờ đón mức thưởng cuối năm. Năm trước, khoản thưởng cuối năm anh nhận được gần 20 triệu đồng. Hai vợ chồng anh đều làm công nhân may, năm nay hy vọng công ty sẽ tăng thưởng Tết một chút để cả nhà có cái Tết tươm tất, đủ đầy hơn.
Trước đó, từ giữa tháng 12, nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức Chương trình thường niên “Tết Sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” khu vực phía Nam, 39 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thuộc cụm Việt Thắng ngoài thưởng Tết đã được tặng quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền mặt 1 triệu đồng/người.
Cũng tại đây, gian hàng nghĩa tình thu hút hơn 26 đơn vị tham gia với 40 gian hàng như: Phong Phú, Nhà Bè, May Việt Thắng, Quốc tế Phong Phú, Liên Phương, Đồng Nai, Bình Minh, May 10... cùng nhiều doanh nghiệp ngoài ngành với các sản phẩm thiết yếu như quần áo, chăn, ga, gối, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm... đảm bảo chất lượng, giá ưu đãi giảm từ 20 - 70%. Các gian hàng được tổ chức với mục tiêu “Chung tay vì công nhân lao động ngành Dệt may”... Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức.
Với các hoạt động chăm lo thiết thực diễn ra ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, dự kiến sẽ có trên 1.900 cán bộ, đoàn viên, NLĐ được tặng quà Tết là các sản phẩm thiết yếu như quần áo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm; có 409 lượt NLĐ được tặng tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, dự kiến lợi ích mang đến cho NLĐ là trên 4,5 tỷ đồng. Đây là dịp kết nối các doanh nghiệp trong ngành và thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, phiên chợ cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa của Tập đoàn - Công đoàn Dệt May Việt Nam nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ, chung tay để NLĐ đón Xuân vui tươi, đầm ấm.
Về thưởng Tết, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2024, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỉ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5 - 2 tháng lương.
Chăm lo, tăng thu nhập “ giữ chân” công nhân
Ông Cao Hữu Hiếu nhìn nhận, năm 2024, một trong những khó khăn nội tại mà nhiều doanh nghiệp dệt may phải đối mặt là biến động lao động. Năm 2023, lao động rất dồi dào nhưng đơn hàng thiếu. Năm 2024 thì ngược lại, đơn hàng đủ, lao động lại rất thiếu. Có đơn vị biến động lao động lên tới 20%. Lao động sau khi nghỉ có thể tuyển lại nhưng lượng tuyển không đủ bù đắp. Thậm chí, nhiều trường hợp việc tuyển dụng lại lao động rất khó khăn. Quan trọng nhất là khi lao động có tay nghề nghỉ, việc tuyển lao động mới cũng khó giải quyết vấn đề biến động năng suất. Năm 2025, dự báo tình hình xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu tích cực, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ: “Đến nay, nhiều đơn vị ngành may đã có đơn hàng hết quý I/2025, một số đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 5/2025”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinatex, năm 2025 sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong ngành may.
Theo ông Hiếu, ngoài cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề hoặc với các doanh nghiệp ngành nghề khác, một trong những nguyên nhân lớn khiến ngành dệt may thiếu hụt lao động là tỷ lệ lao động nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động khá cao.
Do đó, trước những diễn biến mới của thị trường, Vinatex đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại. Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024, không có đơn vị nào bị lỗ trong năm 2024, ông Hiếu chia sẻ…
Nửa cuối năm 2024 các doanh nghiệp dệt may đón nhận sự chuyển dịch đơn hàng lớn, đặc biệt là đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam. Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỉ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỉ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2024 các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đủ đơn hàng, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, nhưng lại thiếu lao động. Đây là vấn đề khó khăn với ngành dệt may trong thời gian vừa qua. Bước sang năm 2025, Vinatex định hướng phải tổng hợp được thành sức mạnh chung toàn Tập đoàn. Hình thành năng lực cạnh tranh cấp Tập đoàn trong giai đoạn mới là cơ sở quan trọng nhất để đối diện với thách thức của thị trường, cũng là điều kiện số 1 để gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cao. Cùng với đó, thu hút, đãi ngộ và sử dụng chung một cách có hiệu quả nguồn lực con người chất lượng cao. Tạo lực kéo tất cả các doanh nghiệp cùng tiến bộ, không chờ đợi việc phát triển nguồn nhân lực ở từng doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường lao động rất cao, nhân lực giỏi khan hiếm.
Về công tác chăm lo Tết cho người lao động, bên cạnh mức thưởng Tết nêu trên, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Công đoàn phối hợp với Tập đoàn tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung như: bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón Tết… Theo kế hoạch, có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được Công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết…
Bà Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, với đặc thù trình độ công nhân lao động (CNLĐ) chưa cao, thu nhập còn thấp so với các ngành khác, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tập trung vào hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Việc thương lượng, ký kết ngành được tổ chức định kỳ; phát huy hiệu quả của Văn phòng tư vấn pháp luật; tổ chức Tết Sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại 6 điểm trên cả nước; tổ chức các hoạt chăm lo cho NLĐ và gia đình NLĐ như tặng sổ tiết kiệm, khen thưởng con NLĐ học giỏi và các hoạt động đột xuất khác. Những hoạt động này đã hỗ trợ được NLĐ lúc khó khăn và động viên họ nỗ lực trong lao động sản xuất.
Thực tế, xu hướng dịch chuyển lao động sang các ngành dịch vụ, công nghệ cao khiến ngành Dệt may khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, sự thay đổi về tâm lý xã hội của các thế hệ CNLĐ trong môi trường làm việc đặt ra các vấn đề của công tác quản lý và tác động không nhỏ đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để khắc phục tình trạng này, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã chú trọng công tác đào tạo. Nhiệm kỳ 2023 - 2028 là nhiệm kỳ thứ 2 liên tục Công đoàn ngành xây dựng và triển khai một trong 5 chương trình công tác lớn mang tên “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên và người lao động”. Qua đó, Công đoàn ngành trực tiếp tổ chức 106 lớp đào tạo tại các Công đoàn cơ sở có hơn 4.700 lượt người tham gia với nội dung đa dạng, không chỉ chuyên môn mà còn cả kỹ năng mềm. Đặc biệt, Công đoàn ngành đã tạo được động lực thi đua lao động sản xuất bằng nhiều phong trào, giải thưởng cấp ngành như: Ngày hội Lao động sáng tạo, Hội thi thợ giỏi, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, Gia đình Dệt may tiêu biểu...