Chuyển đổi xanh: Từ chính sách đến hành động

Chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính là những trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp cùng hành động.

Chính phủ giữ vai trò “nhạc trưởng” trong chiến lược chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh đang là “từ khóa” không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Tại Việt Nam, quá trình này không chỉ là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2045.

TS. Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) cho rằng, để chuyển đổi xanh không trở thành khẩu hiệu suông, Chính phủ phải đóng vai trò trung tâm trong việc kiến tạo thể chế, điều phối dòng vốn và tạo động lực cho doanh nghiệp.

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Điện rác Sóc Sơn

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Điện rác Sóc Sơn

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, chuyển đổi xanh đã được xác định là trọng tâm. Điều này được cụ thể hóa qua một loạt chính sách như Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, hay Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh trong ngành ngân hàng…

Theo TS. Trịnh Xuân Đức: “Chuyển đổi xanh không thể triển khai hiệu quả nếu không có sự dẫn dắt từ thể chế. Nhà nước phải đóng vai trò ‘nhạc trưởng’, thiết kế chính sách đồng bộ và tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư xanh.”

Tuy nhiên, theo TS. Đức, chính sách hiện hành còn thiếu tính tổng thể. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có bước tiến lớn nhưng vẫn cần thêm các quy định rõ ràng về trách nhiệm giảm phát thải, tiêu chuẩn sản phẩm xanh, và đặc biệt là cơ chế giám sát – chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Ngoài thể chế, một yếu tố then chốt khác là tài chính xanh. Việc định hướng dòng vốn là chìa khóa để “kéo” nền kinh tế theo hướng bền vững. Thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống tín dụng xanh, từ phát triển ngân hàng xanh đến khuyến khích trái phiếu xanh. Nhưng dư địa để phát triển thị trường tài chính xanh vẫn còn rất lớn, đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò điều phối và bảo lãnh rủi ro.

Trạm sạc xe điện trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Trạm sạc xe điện trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Chính phủ cần thiết lập một Quỹ đầu tư xanh quốc gia – tương tự như các quốc gia Bắc Âu – để cung cấp vốn mồi cho các dự án năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, giao thông xanh. Khi đó, khu vực tư nhân mới mạnh dạn đầu tư dài hạn”- TS. Trịnh Xuân Đức đề xuất.

Doanh nghiệp là lực đẩy – tài chính xanh là công cụ

Nếu Nhà nước là “người dẫn đường”, thì doanh nghiệp chính là “lực đẩy” trong hành trình chuyển đổi xanh. Không ai khác, chính các doanh nghiệp là chủ thể đầu tư vào công nghệ sạch, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và cắt giảm khí thải trong sản xuất.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay với phần lớn doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ – chính là nguồn lực tài chính. Việc đầu tư vào dây chuyền thân thiện môi trường, xây dựng nhà máy điện mặt trời, hay thay đổi nguyên liệu sản xuất xanh thường đòi hỏi chi phí cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp còn e ngại về hiệu quả kinh tế và thời gian hoàn vốn.

Đây chính là lúc tài chính xanh phát huy vai trò. Việc cung cấp tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế hoặc bảo lãnh vốn đầu tư là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển mình. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã bắt đầu cung cấp các gói tín dụng xanh, nhưng quy mô còn khiêm tốn và chưa thực sự hấp dẫn.

TS. Trịnh Xuân Đức cho rằng: “Các định chế tài chính cần thay đổi tư duy tiếp cận rủi ro. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn thì không ai dám đầu tư xanh. Chuyển đổi xanh là đầu tư cho tương lai và cần được tiếp sức bằng các công cụ tài chính sáng tạo”.

Dự án Điện gió ở Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh: MQ

Dự án Điện gió ở Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh: MQ

Bài học từ Mỹ và Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng. Chính phủ Mỹ ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) với hơn 370 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông bền vững. Hàn Quốc cũng chi hơn 73 tỷ USD cho “New Deal Xanh” – một chương trình tài chính lớn chưa từng có để cải tổ ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, Chính phủ có thể học hỏi mô hình này bằng cách phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính quốc tế để phát hành trái phiếu xanh chính phủ, đồng thời xây dựng cơ chế bảo lãnh vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, giao thông điện”- TS. Đức gợi ý.

Bên cạnh tài chính, một yếu tố quan trọng khác là nâng cao năng lực và nhận thức của doanh nghiệp. Để chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu từ thị trường xuất khẩu – như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU – mà còn trở thành chiến lược kinh doanh thực sự, cần sự thay đổi từ bên trong.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đo lường phát thải carbon và minh bạch hóa báo cáo môi trường. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại trong một thị trường ngày càng coi trọng yếu tố ESG (môi trường - xã hội- quản trị).

Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực để doanh nghiệp đặc biệt là SME có thể tiếp cận công nghệ xanh và công cụ đo lường khí thải. Sự kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và khu vực sản xuất sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh.

Hiện còn thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm xanh. Ảnh: Thu Hường

Hiện còn thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm xanh. Ảnh: Thu Hường

Chuyển đổi xanh là một hành trình dài, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Chính sách tốt mà doanh nghiệp không hành động thì sẽ không thành công. Ngược lại, doanh nghiệp tích cực nhưng thiếu khung pháp lý và tài chính hỗ trợ cũng sẽ không thể bứt phá.

Việt Nam đã đi được những bước đầu, nhưng cần tăng tốc mạnh mẽ. Không có lựa chọn khác ngoài chuyển đổi xanh nếu chúng ta muốn giữ vững vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững” -TS. Trịnh Xuân Đức nhấn mạnh.

TS Đức khẳng định: Chìa khóa lúc này là hành động quyết liệt, chính sách hiệu quả và cam kết dài hạn. Bởi môi trường không chờ đợi, và nền kinh tế xanh chỉ thực sự hiện hữu nếu được thúc đẩy bằng cả ý chí chính trị và thực tiễn hành động từ khu vực công lẫn tư.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-xanh-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-381838.html
Zalo