Chuyển đổi 'xanh' ngành vận tải biển: Thách thức và giải pháp

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với mục tiêu 'net-zero' vào năm 2050. Đây là một định hướng quan trọng không chỉ mang tầm quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều ngành công nghiệp trong đó có ngành vận tải biển sẽ phải đối mặt với những thách không nhỏ.

Ngành vận tải biển đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu, khi là cầu nối huyết mạch cho giao thương quốc tế. Tuy nhiên, với sự gia tăng mức độ phát thải CO2 từ các tàu biển, ngành này đang trở thành một trong những nguồn phát thải lớn cần được cải thiện để đạt mục tiêu "net-zero". Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là giảm 20-30% khí thải trong ngành vận tải biển vào năm 2030 và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mặc dù mục tiêu này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhưng quá trình chuyển đổi lại không hề đơn giản, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Trao đổi với PetroTimes về những thách thức và giải pháp để ngành vận tải biển đạt mục tiêu "net-zero", TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đang sở hữu một đội tàu trẻ và ngành vận tải biển phát triển mạnh mẽ nhờ vào hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải cải tiến công nghệ và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Tuy vậy, lộ trình chuyển đổi này vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết.

Theo TS. Dư Văn Toán, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành vận tải biển là vấn đề chi phí và sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu xanh. Mặc dù các loại nhiên liệu bền vững như methanol, amoniac, hydrogen, và năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được kỳ vọng sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng giá thành của những nhiên liệu này hiện nay vẫn còn rất cao. Chẳng hạn, methanol xanh hiện nay có giá gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, trong khi giá amoniac xanh còn cao hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia như Việt Nam, vốn còn nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu xanh một cách đồng bộ và bền vững.

Cũng theo TS. Dư Văn Toán, Việt Nam với đường bờ biển dài và mạng lưới cảng biển rộng lớn có tiềm năng phát triển hành lang vận chuyển xanh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cảng biển hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhiên liệu xanh. Việc nâng cấp hạ tầng cảng biển là một nhiệm vụ quan trọng, bao gồm xây dựng kho chứa nhiên liệu sạch, hệ thống cấp nhiên liệu hiện đại và các công nghệ hỗ trợ giảm khí thải ngay tại cảng. Cũng trong khuôn khổ cam kết tại COP26, Việt Nam cần tham gia vào việc thiết lập các hành lang vận chuyển xanh, theo Tuyên bố Clydebank, với mục tiêu phát triển ít nhất sáu hành lang vận chuyển xanh vào năm 2026.

Chuyển đổi "xanh" ngành vận tải biển còn nhiều thách thức/Ảnh minh họa

Chuyển đổi "xanh" ngành vận tải biển còn nhiều thách thức/Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cải tiến tàu thuyền để sử dụng nhiên liệu kép hoặc các loại nhiên liệu mới là một yêu cầu quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong dài hạn. Chính sách hỗ trợ từ các cơ chế quốc tế như thuế carbon và chuẩn hóa tiêu chuẩn nhiên liệu sẽ là yếu tố then chốt giúp thu hẹp khoảng cách chi phí giữa nhiên liệu bền vững và nhiên liệu hóa thạch.

IMO hiện đang nghiên cứu kế hoạch áp dụng thuế carbon từ 150 - 300 USD mỗi tấn CO2 phát thải, tạo ra động lực tài chính cho việc đầu tư vào nhiên liệu xanh và cơ sở hạ tầng. Khoản thuế này sẽ giúp các quốc gia như Việt Nam giảm bớt gánh nặng tài chính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành vận tải biển.

Để nắm bắt cơ hội này, Theo TS. Dư Văn Toán, Việt Nam cần thực hiện những chiến lược cụ thể nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng các lợi thế sẵn có.

Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng xanh. Chính phủ và các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nâng cấp các cảng biển, thiết lập các cơ sở lưu trữ và cung cấp nhiên liệu xanh như methanol, hydrogen hoặc amoniac. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất nhiên liệu để xây dựng mạng lưới cung cấp đáng tin cậy.

Thứ hai là tham gia các hành lang vận chuyển xanh. Việt Nam có thể tận dụng sự tham gia trong các dự án hành lang vận chuyển xanh được phát triển theo Tuyên bố Clydebank. Việc tích hợp các tuyến hành lang biển nội địa và kết nối với quốc tế sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, phát triển đoàn tàu hiện đại để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, các doanh nghiệp vận tải cần ưu tiên đầu tư vào các tàu nhiên liệu kép hoặc tàu sử dụng năng lượng xanh. Đây là bước cụ thể góp phần giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Thứ tư là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần tạo điều kiện khuyến khích các dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến nhiên liệu và công nghệ giảm khí thải. Các chương trình hợp tác quốc tế và đào tạo cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.

Và cuối cùng là xây dựng chính sách hỗ trợ. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như trợ cấp, ưu đãi thuế cho các dự án liên quan đến phát triển nhiên liệu sạch và đội tàu hiện đại. Cùng với đó, việc ban hành luật và chính sách bảo đảm các tiêu chuẩn khí nhà kính sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vận tải tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.

Có thể nói, nếu Việt Nam thực hiện thành công những chiến lược này sẽ không chỉ giúp ngành vận tải biển đáp ứng mục tiêu "net-zero", mà còn góp phần tích cực vào mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-doi-xanh-nganh-van-tai-bien-thach-thuc-va-giai-phap-722132.html
Zalo