Chuyển đổi xanh: HTX, doanh nghiệp cần chính sách 'may đo' phù hợp

Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành đòi hỏi bắt buộc trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn với các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Song để hiệu quả thì chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của khu vực HTX, doanh nghiệp mà đòi hỏi Nhà nước có chính sách 'may đo' phù hợp cho khu vực này.

HTX Nông nghiệp 714 từ lâu được biết đến như “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực nông nghiệp và được công nhận là HTX ngôi sao trong việc chuyển đổi xanh của tỉnh Đắk Lắk. Song để đạt được những thành tựu trên, đơn vị đã phải chi hàng trăm triệu đồng đầu tư giống, phân bón, vật tư máy móc, công nghệ,...

"Có bột mới gột nên hồ"

Chia sẻ cùng VnBusiness, ông Vũ Xuân Thu, CTHĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp 714, cho hay, sản xuất xanh, kinh tế xanh được coi là chìa khóa để phát triển HTX một cách bền vững. Để bắt nhịp với thời đại 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hướng đến phát triển bền vững, HTX phải luôn không ngừng đổi mới.

Để chuyển đổi xanh đi vào thực chất, các HTX, doanh nghiệp rất cần những chính sách phù hợp, "may đo" riêng để đảm bảo thành công.

Để chuyển đổi xanh đi vào thực chất, các HTX, doanh nghiệp rất cần những chính sách phù hợp, "may đo" riêng để đảm bảo thành công.

Đơn cử, từ nguồn kinh phí 200 triệu đồng được huyện hỗ trợ, HTX 714 đã đầu tư thêm 337 triệu đồng mua máy bay không người lái phục vụ sản xuất lúa. Giờ đây, giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông trên địa bàn huyện Ea Kar, hình ảnh máy bay không người lái của Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (HTX 714) phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ với sự điều khiển của một nhân viên kỹ thuật đang trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Thu câu chuyện về vốn và đào tạo tập huấn nâng cao trình độ với người lao động luôn là điều khiến ông trăn trở.

“Tôi cho rằng để HTX cũng như các DN sản xuất nông nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất xanh thì HTX nào, đơn vị nào cũng thiếu vốn. Vốn rất quan trọng trong các khâu sản xuất xanh, đặc biệt giúp tiếp cận kịp thời các thiết bị công nghệ hiện đại. Các cụ nói, “có bột mới gột nên hồ” được, phải có tiền mới có thể đảm bảo công tác thu mua lúa từ bà con, đầu tư lò sấy công nghệ cao không đảo, hệ thống xay xát tự động,...

Bên cạnh đó, rất mong chính quyền địa phương tăng cường công tác tập huấn, giúp người dân hiểu biết từng quy trình, từ đó họ tự nguyện làm, tự nguyện tham gia. Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước và các tổ chức có các chính sách mở, xây dựng các mô hình mẫu để đưa các HTX có điều kiện học tập”...

Thông tin tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” ngày 22/4, TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam còn diễn ra chậm và thiếu đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Mức độ triển khai chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, còn khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động, mức độ sẵn sàng tham gia còn thấp chưa thể hiện rõ xu hướng tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng bền vững”, bà Minh nhấn mạnh.

Theo đó, phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ sạch, hệ thống năng lượng tái tạo hay quy trình sản xuất thân thiện với môi trường là rất lớn, trong khi hơn 90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã hạn chế về năng lực tài chính. Thêm vào đó, các gói hỗ trợ tài chính xanh hiện vẫn rất khó tiếp cận, khiến doanh nghiệp, HTX càng thêm dè dặt.

Khảo sát cho thấy, gần 47% doanh nghiệp thiếu nhân sự chuyên môn phục vụ chuyển đổi xanh. Nhiều đơn vị không biết bắt đầu từ đâu, thiếu thông tin về tiêu chuẩn quốc tế, không có đội ngũ tư vấn hoặc chỉ thực hiện “xanh hóa” khi bị yêu cầu từ đối tác.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho rằng, việc thiếu khung tiêu chí, thiếu hướng dẫn cụ thể, cùng sự chồng chéo giữa các bộ ngành và chính sách hỗ trợ rời rạc khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết phải làm đến đâu là “đủ chuẩn”, trở thành “lực cản” cho các doanh nghiệp.

“Chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của doanh nghiệp, HTX. Nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, khối tư nhân, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội”, TS.Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Chương trình của Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu, hiện 45% người tiêu dùng tại châu Âu sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường.

Cùng lúc, các quy định mới từ EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống phá rừng (EUDR) đã và đang tạo áp lực rất lớn lên hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những hàng hóa như thép, xi măng, nhôm, cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ… sẽ khó vào thị trường EU nếu không chứng minh được tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu nguồn lực để thích ứng với những yêu cầu mới. “Nếu không có sự hỗ trợ bài bản từ chính sách công, chúng ta sẽ để lỡ cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu”, vị Giám đốc nhấn mạnh.

Cần những chính sách “may đo” phù hợp

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Minh Khôi đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh hiệu quả. Trước hết, ông cho rằng cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh quốc gia - một cơ chế tài chính đặc thù giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn đầu tư vào công nghệ sạch mà không bị rào cản bởi điều kiện tài sản thế chấp. Đây là mô hình đã được triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia.

Đồng thời, chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain, định danh điện tử (TWIN), hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn như EUDR. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa quy trình sản xuất mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường yêu cầu cao về tính bền vững.

Ông Nguyễn Minh Khôi cũng đề xuất rà soát và cập nhật các chính sách thuế nhập khẩu đối với công nghệ xanh. Việc miễn hoặc giảm thuế cho thiết bị, công nghệ phục vụ xanh hóa sản xuất sẽ tạo động lực đầu tư mạnh mẽ hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Giải pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hỗ trợ các startup đổi mới sáng tạo xanh. Đây là lực lượng tiên phong, linh hoạt và có khả năng tạo đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, sản xuất tuần hoàn hay nông nghiệp bền vững. Ông Khôi nhấn mạnh, cần có cơ chế “vườn ươm” từ chính sách tới tài chính, để các sáng kiến xanh có thể phát triển thành mô hình kinh doanh thực sự.

Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Việt Nam cần xây dựng một “kiến trúc xanh” ở cấp độ quốc gia - nơi Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự cùng phối hợp hành động.

“Chuyển đổi xanh không thể là gánh nặng đơn phương của doanh nghiệp. Nó phải là một chiến lược đồng bộ, được dẫn dắt bằng tầm nhìn và hậu thuẫn bằng thể chế”, ông nói.

Trên thực tế, khảo sát từ các hiệp hội và tổ chức phát triển cho thấy, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức, chưa thể triển khai chiến lược xanh một cách bài bản.

Những rào cản lớn nhất bao gồm: thiếu vốn đầu tư ban đầu, thiếu công nghệ phù hợp, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin cập nhật và đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ. Việc chưa có các quy định rõ ràng về tiêu chí, phân loại hoạt động xanh, hay khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về thị trường carbon, chứng chỉ xanh... cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lập kế hoạch và tiếp cận các dòng vốn bền vững.

Trong khi đó, sức ép từ thị trường quốc tế ngày càng gay gắt, nếu không kịp thời chuyển đổi, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị giảm sức cạnh tranh, thậm chí bị loại khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/chuyen-doi-xanh-htx-doanh-nghiep-can-chinh-sach-may-do-phu-hop-1106306.html
Zalo