Chuyển đổi xanh cho ngành Xây dựng: Cuộc cách mạng hướng tới phát triển bền vững

Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và những áp lực về cạn kiệt tài nguyên, 'chuyển đổi xanh' đã trở thành xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự thay đổi sâu rộng trong tư duy, công nghệ và quy trình hoạt động. Tại Việt Nam, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong lĩnh vực này cũng đang ngày càng được nâng cao, mở ra những cơ hội và thách thức không nhỏ trên hành trình kiến tạo một tương lai xanh hơn cho ngành Xây dựng.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam làm tăng áp lực “xanh hóa” lên ngành Xây dựng.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam làm tăng áp lực “xanh hóa” lên ngành Xây dựng.

Động lực thúc đẩy “xanh hóa” ngành Xây dựng

Từ lâu, ngành Xây dựng đã được biết đến là một trong những "gã khổng lồ" tiêu thụ tài nguyên và phát thải khí nhà kính. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, ngành Xây dựng chiếm tới 39% tổng lượng khí thải toàn cầu, chủ yếu đến từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, thép, gạch...), vận chuyển và thi công. Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu xây dựng hạ tầng ngày càng tăng, áp lực giảm phát thải và "xanh hóa" càng trở nên cấp thiết.

Chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng không chỉ đơn thuần là việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hay áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đó là một quá trình toàn diện, xuyên suốt từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn vật liệu, thi công, vận hành đến quản lý vòng đời của công trình.

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu có hàm lượng carbon thấp (như bê tông xanh, gạch không nung), vật liệu địa phương được khuyến khích nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Các nghiên cứu và phát triển vật liệu mới, thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh.

Mặc dù nhận thức về chuyển đổi xanh ngày càng tăng, ngành Xây dựng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp xanh thường cao hơn so với các phương pháp truyền thống. Thiếu hụt về tiêu chuẩn, quy định và chính sách khuyến khích đồng bộ cũng là một rào cản lớn. Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp trong nước về công nghệ xanh, vật liệu mới và đội ngũ nhân lực có chuyên môn còn hạn chế.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những động lực mạnh mẽ đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Áp lực từ các cam kết quốc tế về giảm phát thải, yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng về các công trình xanh, bền vững đang tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong. Chính phủ Việt Nam cũng đang có những động thái tích cực trong việc xây dựng khung pháp lý, ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chuyển đổi xanh ngành Xây dựng. Các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á như Singapore, Nhật Bản đã có những chính sách và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng và áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng xanh.

Giải pháp toàn diện cho chuyển đổi xanh trong xây dựng

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đối diện với những áp lực ngày càng gia tăng từ môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu và nhu cầu đảm bảo chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng, từ năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã sớm hành động, cụ thể hóa đường lối phát triển xanh bền vững của Đảng và Nhà nước bằng việc công bố Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh.

TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, mục tiêu hàng đầu trong thiết kế kiến trúc xanh là khai thác tối ưu nguồn năng lượng tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng và gió; Quản lý tài nguyên nước bền vững được thực hiện thông qua việc áp dụng các giải pháp tuần hoàn, hướng tới một quy trình khép kín; Lựa chọn vật liệu xây dựng ưu tiên các loại có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường, từ khung kết cấu đến vật liệu hoàn thiện; Sử dụng đất tiết kiệm và xác định diện tích xây dựng phù hợp với công năng sử dụng; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đi đôi với việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng không tái tạo.

Chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng tất yếu và đầy thách thức trong ngành Xây dựng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự chung tay của cả nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc xây dựng một hệ sinh thái xanh cho ngành Xây dựng, từ chính sách, công nghệ đến nguồn nhân lực, sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, sạch và đẹp hơn trong tương lai.

Hà Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chuyen-doi-xanh-cho-nganh-xay-dung-cuoc-cach-mang-huong-toi-phat-trien-ben-vung-397682.html
Zalo