Chuyển đổi xanh - bước ngoặt của kinh tế hợp tác xã
Trong xu thế hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc... là yêu cầu tất yếu.
Sáng 11/4, Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” chính thức được khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia 2025. Ảnh: Hoàng Lan
Trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - cho biết, Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” là một trong những điểm nhấn nổi bật của Tháng hành động Hợp tác xã 2025. Đây là sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại diện khu vực kinh tế tập thể nhằm thảo luận, kiến nghị các giải pháp phát triển hợp tác xã gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.
“Diễn đàn không chỉ là nơi lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, mà còn mở ra cơ hội hợp tác, liên kết, hình thành các dự án mới giữa hợp tác xã và doanh nghiệp” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện, cả nước có trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp - chiếm hơn 64% tổng số hợp tác xã, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả. Một thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, hợp tác xã. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - phát biểu khai mạc Ảnh: Hoàng Lan
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp tại khu vực này.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng và Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách trọng điểm như: Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Nghị định 113/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hợp tác xã và Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể... “Những chính sách này tạo nền tảng pháp lý và hỗ trợ thực tiễn để hợp tác xã phát triển bền vững, tiếp cận vốn, công nghệ, đào tạo, thị trường trong nước và quốc tế” - bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định.
Phát triển hợp tác xã mạnh về chất và lượng
Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia 2025 do đó không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là cơ hội quan trọng để các bên liên quan cập nhật chính sách, kết nối với các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, tìm kiếm đối tác chiến lược và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Mục tiêu trọng tâm của diễn đàn là nâng cao nhận thức và năng lực cho hợp tác xã trong việc áp dụng mô hình kinh tế xanh, giảm phát thải, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Điều này nhằm tiến tới năm 2045, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng sẽ có ít nhất 3 hợp tác xã của Việt Nam lọt vào top 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu.
Để đạt mục tiêu đó, điều tiên quyết là phải phát triển các hợp tác xã mạnh về chất và lượng, gắn hoạt động với chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Bởi hợp tác xã không chỉ là mô hình kinh tế, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, hợp tác, tự lực và sáng tạo.
“Khi hợp tác xã được nhìn nhận đúng tầm, hỗ trợ đúng cách, Việt Nam sẽ xây dựng được một nền kinh tế công bằng, thịnh vượng, toàn diện - nơi không ai bị bỏ lại phía sau” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia năm 2025. Ảnh: Hoàng Lan
Hiện, ở trong và ngoài nước, nhu cầu thị trường đòi hỏi các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là đòi hỏi đối với chính các hợp tác xã. Đi liền với đó là yêu cầu phát triển xanh, phát thải thấp cũng là bài toán đặt ra với hợp tác xã. Do đó, yếu tố tiên quyết là hợp tác xã cần phải nâng cao cả chất và lượng để phát triển theo hướng xanh, bền vững. Tại diễn đàn còn có sự tham gia của 100 hợp tác xã đạt Giải thưởng Ngôi sao hợp tác xã năm 2025. Đây là những mô hình tiêu biểu, đi đầu trong cả nước về sản xuất kinh doanh.
Dẫn chứng về sự thành công, chủ động của mô hình hợp tác xã, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, hợp tác xã cá thát lát ở Hậu Giang, thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu cá thát lát qua Mỹ thành công. Hợp tác xã này cũng phấn đấu 2 năm tới sẽ tự xuất khẩu mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp. Điều này cho thấy, hợp tác xã biết tự phấn đấu, sáng tạo để cống hiến, đóng góp vào phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Do đó, trước yêu cầu của thị trường, diễn đàn được triển khai để cụ thể hóa những chính sách của Nhà nước về phát triển xanh, là nơi tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận, kết nối với các tổ chức đầu tư, từ đó có thêm định hướng để phát triển bền vững, thích ứng với nhu cầu mới.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã bền vững, bà Ingrid Christensen -Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam - cho rằng, trên toàn cầu, các hợp tác xã luôn đi đầu về bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Ngoài ra, các hợp tác xã còn tạo ra việc làm có giá trị tại địa phương. Điển hình tại Đan Mạch và Thụy Điển có các trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới do các hợp tác xã làm chủ. Tại Đức có các hợp tác xã vận hành tuabin gió, đáp ứng nhu cầu xã hội sang chuyển đổi năng lượng tái tạo...
“Các hợp tác xã về năng lượng chuyển mình vượt bậc và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xanh. Cải thiện chuỗi giá trị và cung cấp chi phí hợp lý cho nhà sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội” - bà Ingrid Christensen cho hay.
Theo bà Ingrid Christensen, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển khu vực hợp tác xã, trong đó đối với chính sách bảo hiểm từ khi Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi đã có tác động tích cực đến các hợp tác xã, đó là các hợp tác xã được đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, tương lai cần phải có những sự bảo vệ tốt hơn nữa, chẳng hạn khi xảy ra thiên tai, hợp tác xã sẽ được bảo vệ tốt hơn nữa về tài sản, con người. Và bảo vệ phúc lợi xã hội cho các thành viên hợp tác xã.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có 23.556 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 67,8% tổng số hợp tác xã cả nước. Các hợp tác xã ngày càng đóng vai trò trung tâm trong xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. 2.500 hợp tác xã nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, 4.339 hợp tác xã bao tiêu nông sản, 2.169 hợp tác xã có sản phẩm OCOP và khoảng 1.500 hợp tác xã tham gia du lịch nông nghiệp.