Chuyển đổi vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trước sức ép từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào giải pháp ngắn hạn này, Việt Nam cần hướng đến một chiến lược dài hạn hơn, đó là chuyển đổi vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Khả năng thích ứng, tự lực tự cường rất quan trọng

Việc Mỹ áp thuế đối ứng cao là thách thức nghiêm trọng trong thu hút các tập đoàn lớn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, các tập đoàn này có thể phải chuyển sang thị trường khác để tránh thuế. Đây là chia sẻ của Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu Nguyễn Thị Hoàng Thúy tại tọa đàm "Rào cản thuế quan Mỹ: Những gợi mở từ tham tán thương mại", do Báo Người lao động tổ chức mới đây.

 Việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tái định hình chiến lược phát triển Việt Nam cần học kinh nghiệm các nước trong xây dựng sản phẩm, mở rộng thị trường Ảnh: HS. Nguồn: ITN Nguồn: ITN

Việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tái định hình chiến lược phát triển Việt Nam cần học kinh nghiệm các nước trong xây dựng sản phẩm, mở rộng thị trường Ảnh: HS. Nguồn: ITN Nguồn: ITN

Dù vậy, bà Thúy cho rằng, đây chính là cơ hội để các quốc gia tái định hình lại chiến lược phát triển. Hiện, Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất quan trọng nhờ khả năng hội nhập sâu, năng lực lao động tốt, tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Để tiếp tục giữ vai trò chiến lược này cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảm phụ thuộc nhập khẩu đầu vào, nâng cấp hệ thống hậu cần, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài các thị trường truyền thống.

Ở góc nhìn khác, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Do đó, khả năng thích ứng, tự lực tự cường của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp, linh hoạt với mọi kịch bản có thể xảy ra. Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu - đặc biệt là thị trường ngách, và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng như hàm lượng chất xám trong sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Ba định hướng chuyển đổi

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp chiến lược nhưng điều này không dễ dàng. Đơn cử, thị trường Bắc Âu chỉ có hơn 20 triệu người, song đặt tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn xã hội rất nghiêm ngặt nên không thể thay thế cho thị trường Mỹ, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến cáo.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể lựa chọn Bắc Âu là thị trường thử nghiệm mà nếu thành công có thể đưa hàng vào nhiều thị trường khó tính khác. Bà Thúy gợi ý, ăn chay hay các mặt hàng đồ gỗ, mây tre đan có tích hợp công nghệ đang là xu hướng ở Bắc Âu. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn nghiêm ngặt, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các mặt hàng này hoàn toàn có cơ hội.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng bổ sung, Ấn Độ là thị trường lớn với quy mô 1,5 tỷ dân song không dễ thâm nhập, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra về xuất xứ tại đây. Theo ông Thướng, cần định nghĩa lại thị trường Ấn Độ, xác định rõ mặt hàng nào có thể hợp tác sâu hơn. Ông nêu ví dụ: Việt Nam có thể nhập bông từ Ấn Độ để kéo sợi rồi xuất ngược trở lại.

Ông Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cần chuẩn bị sản phẩm thật tốt, đồng thời tăng cường năng lực quản trị, am hiểu pháp luật và thông thạo ngoại ngữ. Ngoài ra, doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, nhất là khi nguồn lực tại Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. “Sử dụng tư vấn hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin kịp thời, tránh rủi ro trong giao thương,” ông nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thay vì chỉ chú trọng vào việc chuyển hướng thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh đến một hướng đi chiến lược hơn: chuyển đổi vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo bà, có ba định hướng lớn mà cả Chính phủ và doanh nghiệp cần tập trung.

Một là, trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài chính sách đầu tư tốt, Việt Nam cần nâng cấp hạ tầng logistics, nhất là cảng biển và các tuyến vận tải chiến lược. Gần đây, phía Việt Nam đang xúc tiến tuyến vận tải kết nối cảng Vũng Tàu với cảng của Thụy Điển và Đan Mạch - một động thái được kỳ vọng sẽ gia tăng sức hút đầu tư.

Hai là, Việt Nam có thể đóng vai trò là nhà cung cấp bán thành phẩm và nguyên liệu xanh đáng tin cậy cho các trung tâm sản xuất lớn. Việc cung cấp gỗ tái chế, vải tái chế hay linh kiện điện tử là một hướng đi khả thi, với điều kiện Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư phù hợp.

Ba là, trở thành mắt xích quan trọng của ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là 3 trụ cột cốt lõi của kinh doanh bền vững hiện nay. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào minh bạch được chuỗi cung ứng, số hóa quản trị, cải thiện điều kiện lao động, công bố thông tin có trách nhiệm sẽ nâng vị thế, trở thành đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu có trách nhiệm.

Cho rằng “nếu cứ đi buôn mãi thì hết mồ hôi là hết tiền”, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, sâu xa hơn cần đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, ở những thị trường trọng điểm là những quân bài cho 5, 10 hay 50 năm tới. Muốn vậy, cùng với sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục, ngoại hối. Hiện, đây là những vấn đề lớn khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-doi-vai-tro-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-post410902.html
Zalo