Chuyển đổi tuần hoàn bắt đầu từ chuỗi giá trị điện tử
Việt Nam đang chứng kiến làn sóng tiêu dùng thiết bị điện và điện tử (EEE) tăng mạnh - từ điện thoại, máy tính đến đồ gia dụng thông minh. Sự bùng nổ này kéo theo lượng rác thải điện tử ngày càng lớn và khó kiểm soát. Nếu chuỗi giá trị EEE không được tái thiết theo hướng tuần hoàn, Việt Nam sẽ đối mặt với những hệ lụy môi trường nghiêm trọng và bỏ lỡ cơ hội phát triển bền vững.
2,7 kg rác thải điện tử/người/năm: Việt Nam đứng trước “núi rác” số hóa
Sự phát triển kinh tế nhanh và nhu cầu công nghệ tăng cao đã khiến lượng tiêu thụ thiết bị điện và điện tử (EEE) tại Việt Nam bùng nổ.
Năm 2022, 97,6% người trưởng thành sử dụng internet tại Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh - tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Giá trị nhập khẩu EEE đạt 87,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu lên tới 101,4 tỷ USD vào năm 2020. Cùng năm đó, số lượng thiết bị điện tử sản xuất tại Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2008, đạt 1,46 tỷ mặt hàng.
Song song với tốc độ phát triển này, rác thải điện tử cũng tăng lên nhanh chóng. Từ 115.000 tấn năm 2015, con số này đã tăng hơn gấp đôi, đạt 257.000 tấn vào năm 2019 - tương đương 2,7 kg/người.

Dự báo lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh, kéo theo sự xuất hiện của các loại chất thải mới như pin mặt trời và pin xe điện. Tuy nhiên, hệ thống thu gom và xử lý rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn còn phân tán, chủ yếu dựa vào khu vực phi chính thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường và sức khỏe.
Cảnh báo về thực trạng này, Báo cáo toàn cầu về Rác thải điện tử 2024 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Viện đào tạo và nghiên cứu Liên hợp quốc (UNITAR) công bố hồi tháng 3 nhấn mạnh: rác thải điện tử là loại chất thải phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, nhưng lại có tỷ lệ tái chế thấp nhất - dưới 20%.
Trong báo cáo, bà Vanessa Gray, Trưởng nhóm Công nghệ môi trường và hạ tầng số của ITU, thẳng thắn chỉ rõ: “Rác thải điện tử đang gia tăng nhanh chóng, nhưng hệ thống thu gom và giám sát ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn còn manh mún. Khi không được xử lý đúng cách, chúng có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng và để lại hậu quả dài lâu”.
Đồng quan điểm, ông Kees Balde, chuyên gia cao cấp tại UNITAR, cũng lên tiếng cảnh báo: “Rác điện tử chứa nhiều hợp chất độc hại như thủy ngân, chì hay các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Những chất này có thể thẩm thấu vào môi trường, tích tụ trong chuỗi thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Không chỉ vậy, bên trong rác điện tử còn ẩn chứa nhiều kim loại quý - một nguồn tài nguyên có giá trị nhưng lại đang bị lãng phí nếu không được thu hồi đúng cách”.
Thực trạng ấy không chỉ hiện diện qua báo cáo, mà đang bám rễ vào đời sống, tại các khu dân cư, làng nghề, xưởng phế liệu.
Từ rác thải âm thầm đến hành động toàn diện
Tại thôn Bùi, xã Cẩm Xá (Hưng Yên), nơi được xem là “điểm nóng” về tái chế rác điện tử tự phát, chuyên gia Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ về Chất thải và kinh tế tuần hoàn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam cùng nhóm chuyên gia đã có chuyến khảo sát thực địa.
Chuyên gia cho biết họ đã chứng kiến cảnh máy in cũ, điện thoại hỏng, linh kiện máy tính… bị tháo dỡ thủ công ngay bên đường. Kim loại quý như đồng, sắt, vàng được tận thu, còn khí độc và bụi kim loại phát tán ra môi trường.
“Hiện nay, rác điện tử phần lớn được xử lý thủ công, thiếu kiểm soát khí thải và không xử lý các thành phần độc hại. Hệ quả là thu được ít vật liệu, nhưng để lại hậu quả môi trường rất lớn”, ông Vĩnh chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Hình ảnh nhóm chuyên gia UNDP ghi lại tại thôn Bùi, Cẩm Xá, Hưng Yên trong chuyến đi thực địa.
“Một số lô nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã từng bị trả về do phát hiện kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép”, ông Vĩnh cảnh báo, “Những nguy cơ về kim loại nặng này hoàn toàn có thể đến từ việc xử lý rác thải không đúng cách. Nếu rác điện tử không được kiểm soát hiệu quả, hậu quả không chỉ dừng lại ở môi trường, mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng tăng trưởng”.
Từ thực tiễn đó, Dự án quốc gia Việt Nam về “Giảm thiểu chất thải và hóa chất thông qua thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý sản phẩm điện tử tại Việt Nam” được hình thành như một giải pháp mang tính hệ thống - nằm trong Chương trình Quản lý điện tử toàn cầu GEM do Quỹ Môi trường toàn cầu GEF và UNDP đồng tài trợ.
Dự án hướng đến thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý sản phẩm điện tử, can thiệp đồng bộ vào toàn bộ vòng đời thiết bị, từ khâu thiết kế đến phân phối, thu hồi và tái chế.

Dự án Quốc gia Việt Nam về “Giảm thiểu chất thải và hóa chất thông qua thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý sản phẩm điện tử tại Việt Nam” hướng đến những hỗ trợ mang tính toàn diện.
Dự án tiếp cận từ gốc - giúp doanh nghiệp chuyển sang thiết kế sinh thái, hỗ trợ hệ thống bán lẻ thực hiện “thu cũ đổi mới”, và nâng cấp cơ sở tái chế nhằm xử lý an toàn rác điện tử, đồng thời tăng tỷ lệ thu hồi kim loại quý.
Với vai trò là chuyên gia phụ trách dự án tại Việt Nam, ông Hoàng Thành Vĩnh cho rằng yếu tố then chốt nằm ở việc can thiệp từ giai đoạn đầu: “Chúng tôi sẽ cung cấp chuyên gia kỹ thuật để đồng hành cùng doanh nghiệp từ khâu thiết kế sản phẩm, giúp họ chuyển mình theo hướng bền vững”.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, ở giai đoạn phân phối và sử dụng, các sáng kiến hiện có vẫn còn rời rạc, thiếu tính hệ thống: “Nhiều chương trình đổi cũ lấy mới đang tồn tại nhưng thiếu liên kết. Chúng tôi muốn thúc đẩy vai trò của khối thương mại trong chuỗi tuần hoàn, đưa thiết bị đã qua sử dụng tới những nơi còn nhu cầu, đặc biệt là vùng nông thôn”.

Một điểm nổi bật khác là việc thúc đẩy chính sách EPR – Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, buộc doanh nghiệp thu hồi và tái chế sản phẩm sau sử dụng. Dự án không hoạt động đơn lẻ mà được kết nối với mạng lưới quốc tế của UNDP, mở ra cơ hội phối hợp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để phổ biến tiêu chuẩn thiết kế sinh thái.
“UNDP toàn cầu sẽ làm việc trực tiếp với các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung, HP, Panasonic để thúc đẩy quy chuẩn thiết kế toàn cầu. Một khi các tiêu chuẩn này trở thành phổ quát, Việt Nam - với vai trò là nước vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu EEE - sẽ có cơ hội điều chỉnh theo kịp”, ông Vĩnh cho biết thêm.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được trình lên UNDP toàn cầu vào tháng 4/2025, tiếp cận các nhà tài trợ vào tháng 6 và triển khai từ giữa năm sau. Dự án không chỉ nhằm giảm thiểu rác thải điện tử mà còn hướng tới xử lý an toàn các hợp chất độc hại như POP, thủy ngân và UPOP, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Dự án quốc gia về quản lý rác thải điện tử không đứng ngoài lộ trình phát triển bền vững của Việt Nam, mà chính là một phần mở rộng và tăng cường hiệu lực cho các chính sách đã được ban hành.
Từ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (2020) cho đến các quyết định chiến lược về kinh tế tuần hoàn, sản xuất – tiêu dùng bền vững hay trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Việt Nam đã xây dựng nền tảng pháp lý tương đối vững chắc. Dự án chính là bước đi tiếp theo nhằm chuyển hóa những định hướng đó thành hành động cụ thể, có thể đo lường và nhân rộng.
Khi được triển khai hiệu quả, dự án sẽ giúp Việt Nam không chỉ xử lý rác thải điện tử một cách an toàn mà còn kiến tạo một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn hiện đại - nơi sản phẩm được thiết kế, sử dụng và tái chế theo một vòng khép kín, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Việt Nam đã sẵn sàng về mặt chính sách và giờ là lúc biến các cam kết đó thành hiện thực. Dự án này không chỉ góp phần giải quyết một loại chất thải đang gia tăng nhanh chóng, mà còn là minh chứng cho quyết tâm hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững mà quốc gia đang theo đuổi.