Chuyển đổi số với 'phương thức sản xuất số'

Chuyển đổi số với “phương thức sản xuất số”

TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi kỳ diệu trong cuộc sống của nhân loại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thành quả ban đầu…

Ngày nay, người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến, mua bán hàng hóa, thực phẩm trực tuyến, học tập, làm việc, hội họp…, thậm chí cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Những dịch vụ số hóa đó bây giờ gần như là hiển nhiên, mọi người dân đều đã quen thuộc. Hầu hết các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khi có nhu cầu, người dân đều có thể làm “online” (trực tuyến). Siêu ứng dụng VNeID với tích hợp thông tin cá nhân, căn cước, giấy tờ cá nhân, bằng lái xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… là bước tiến mạnh mẽ mang tính thời đại.

Chẳng thế mà doanh thu lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 150 tỷ USD. Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 tăng 28,5% so với năm trước. Có tới 53% số doanh nghiệp xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử. Theo Amazon Global Selling Việt Nam, năm 2024, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và 40% về số đối tác[1].

Việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế - xã hội tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo, phát triển công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu, tăng cường an ninh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp số hóa sẽ đem nông sản hàng hóa đến với thị trường với chi phí thấp nhất, giúp chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp, quản lý xuất xứ, vùng nuôi, trồng, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Nhờ những thành quả của quá trình chuyển đổi số, thay đổi cơ bản cách thức tương tác giữa Nhà nước với công dân, doanh nghiệp mà môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư càng ngày càng được cải thiện. Đó cũng là cơ sở để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tiến tới giảm chi thường xuyên, tăng cường tích lũy cho đầu tư và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo phúc lợi của người dân từ ngân sách nhà nước.

Để khuyến khích, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số quốc gia, hệ thống pháp luật điều chỉnh sự hình thành, hoạt động và phát triển của nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số đang dần được hoàn thiện với một loạt luật chuyên ngành, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Dữ liệu, Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ… đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và kịp thời ban hành.

Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về chuyển đổi số đang tiệm cận với thực tiễn quốc tế, giải quyết được các vấn đề cụ thể, cấp bách, dần xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của công nghệ số trong các lĩnh vực, như giao dịch dân sự, quản lý văn bản điện tử, thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu, công nghệ tài chính fintech, sở hữu trí tuệ, trí tuệ nhân tạo, quản trị hệ thống, an ninh mạng, viễn thông, tiêu chuẩn hóa…, nhất là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech, xe tự hành, máy bay không người lái, người máy...

Chuyển đổi số - quá trình xác lập phương thức sản xuất mới

Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, thể hiện tầm nhìn sáng suốt của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giớiDigitalization and Inclusive Growth: A Review of the Evidence” thực hiện năm 2024 cho thấy, chuyển đổi số đã làm tăng năng suất trung bình, tăng việc làm và tiền lương, tăng khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện tài chính công.

Chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động nhờ kết hợp tốt hơn giữa cung và cầu, số hóa quy trình kinh doanh. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, mức gia tăng năng suất từ sản xuất “thông minh” và trí tuệ nhân tạo đã cải thiện mối liên kết, hợp tác giữa người bán và người mua trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và chi phí nhân công.

Chuyển đổi số đã giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hộ sản xuất nông sản hàng hóa, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng tăng khả năng tiếp cận thị trường qua các nền tảng thương mại số, tài chính số.

Tại các nền kinh tế đang phát triển, làn sóng số hóa đầu tiên với các công cụ quản lý điện tử, thương mại điện tử… năng suất lao động, năng lực quản lý đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến làn sóng số hóa lần thứ hai với người máy công nghiệp (robot), tự động hóa, nhà máy thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) dữ liệu lớn (Big Data), in 3D và Internet vạn vật (IoT)… trên quy mô doanh nghiệp, ngành hay toàn bộ nền kinh tế, trên một phần hoặc toàn bộ công đoạn sản xuất, kinh doanh đã tác động mạnh mẽ đến năng suất lao động ở cấp độ doanh nghiệp, năng suất lao động tổng hợp TFP từng lĩnh vực, ngành và cả nền kinh tế.

Số hóa cũng tác động tích cực đến việc làm và thu nhập. Điều này đặc biệt đúng đối với kinh tế hộ, sản xuất nông nghiệp vốn lấy công làm lãi vì sức lao động chính là tài sản lớn nhất của họ. Số hóa đã giúp cho quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ trở nên hợp lý hơn với chi phí thấp hơn, nhất là kết nối được với thị trường, khách hàng, tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thống thay vì tín dụng đen. Đây cũng chính là mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà chúng ta đang thực hiện và các fintech, ngân hàng số đang đi đầu thực hiện.

Chỉ tính riêng lĩnh vực fintech, hiện nay Việt Nam đã có khoảng 260 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực từ thanh toán, blockchain, tài chính cá nhân, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng số, tín dụng, tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết bị chấp nhận thanh toán POS, đánh giá tín dụng và định danh điện tử (eKYC), hạ tầng kỹ thuật, tín dụng tiêu dùng… mang lại nhiều tiện ích, trải nghiệm dịch vụ tài chính số mới cho người dân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, nhìn nhận thẳng thắn, khung khổ pháp lý cho kinh tế số có mặt chưa theo kịp với tiến bộ của khoa học công nghệ, phát minh sáng chế, nên chưa thật sự bao quát hết các mô hình kinh doanh mới, phương thức sản xuất. Điều này dẫn tới có lúc, có nơi, quy trình thủ tục cấp phép còn phức tạp, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox chưa có, các quy định quản lý dữ liệu và an ninh mạng, an toàn thông tin chưa rõ ràng. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, chất lượng nguồn lực, hạ tầng số, hợp tác trong hệ sinh thái đều cần được cải thiện… như nhận định của PGS.TS. Lê Thanh Tâm và cộng sự (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Do đó, rất cần tạo lập các điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển và triển khai công nghệ số trong nước thông qua hệ thống các biện pháp hỗ trợ toàn diện của Nhà nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp phần mềm…, nhất là trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Từ đó, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng cũng như đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp, ứng dụng AI khu vực và thế giới.

Để tận dụng được các cơ hội này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải tập trung vào hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, trọng tâm là “xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”. Đó cũng chính là điểm mấu chốt để gỡ được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

[1] Bài “Thương mại điện tử xuyên biên giới - “đòn bẩy” cho xuất khẩu trực tuyến” đăng trên Báo điện tử Chính phủ ngày 26.11.2024.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-doi-so-voi-phuong-thuc-san-xuat-so-post400634.html
Zalo