CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ CƠ SỞ: Những ''cánh tay nối dài'' tổ công nghệ số cộng đồng
Các tổ công nghệ số cộng đồng toàn tỉnh đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở và đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xã Xuân Thọ là một điển hình như thế, là cánh tay nối dài' của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.
Đến nay, UBND xã ban hành quyết định thành lập 6 tổ công nghệ số cộng đồng tại 6 thôn với 30 thành viên, 1 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công nghệ số thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06.
Công an xã thường xuyên kết hợp với các buổi sinh hoạt HTCT từng thôn triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai Đề án 06 mà trách nhiệm chính của Công an xã như: Tuyên truyền triển khai các tiện ích cho người dân quản lý xã hội trên ứng dụng VNID, cài đặt định danh điện tử mức độ 2; đăng ký hoạt động ổn định, sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin.
Đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, từ đó nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa dựa trên môi trường mạng. Các sản phẩm, dịch vụ lợi thế, sản phẩm OCOP của xã được quảng bá, giới thiệu trên trên mạng internet, mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Hệ thống loa phát thanh của xã và các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng đã thực hiện tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu các dịch vụ được tập huấn, cũng như 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Trần Thị Tâm cho biết: Phát triển chính quyền số, UBND xã Xuân Thọ đã bố trí đội ngũ đoàn viên là thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng và đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công nghệ số của Đoàn xã hỗ trợ tại Bộ phận Một cửa để hướng dẫn người dân tạo tài khoản và gửi hồ sơ qua cổng dịch vụ công; chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các chi hội ở các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Kết quả đã có hơn 1.297 tài khoản dịch vụ công trực tuyến của người dân được tạo và sử dụng. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giúp cho người dân của xã Xuân Thọ giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, Đoàn thanh niên đã tích cực hỗ trợ người dân cài đặt định danh, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 ứng dụng Vneid. Tính tới thời điểm ngày 15/9/2024, tổng số tài khoản VneID trên địa bàn xã Xuân Thọ là 5.202, trong đó đã được kích hoạt 5.152. Công an xã đi đầu triển khai hướng dẫn người dân làm căn cước công dân (CCCD) cho trẻ từ 6 đến 14 tuổi. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, tuyên truyền thực hiện tốt việc vận động người dân làm CCCD cho trẻ.
Ở lĩnh vực Kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như "voso.vn", “postmart.vn”; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng tải, quảng bá sản phẩm, cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Xã Xuân Thọ hiện tại đã có trên 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, tiêu biểu như: Dâu tây NamAnh fram, HTX vườn nhà Đà Lạt với 7 sản phẩm như hồng treo gió, bột cần tây, chuối Laba sấy, ớt trái cây, bí mì sợi từ đó phát triển thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Hay đối với xã hội số, tiếp tục, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… thông qua các nền tảng số. Tuyên truyền người dân tải ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến” để cung cấp thông tin, kết nối người dân với chính quyền và kịp thời phản ánh trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhằm thuận tiện trong việc trao đổi, thông tin, tuyên truyền nhiều nhóm zalo đã được thành lập, thống nhất xuyên suốt từ xã đến các thôn, khu dân cư để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại địa phương. Các nhóm zalo này đều có sự kết nối thông qua các thành viên đầu mối, đảm bảo thông tin tuyên truyền được xuyên suốt, thống nhất để kịp thời hỗ trợ người dân.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hoàng Văn Bằng: Phát huy tốt vai trò của tổ CNSCĐ tại các địa phương sẽ giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tổ CNSCĐ đã giúp bà con Nhân dân thay đổi từ nhận thức đến thói quen về sử dụng công nghệ. Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng trong thời gian qua đã cho thấy đây thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.