Chuyển đổi số trong ngành giáo dục

'Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động chuyển đổi số, phấn đấu tạo môi trường giáo dục số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa giáo dục...' là những mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đang hướng đến.

Là đơn vị điển hình trong chuyển đổi số, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Phòng đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ.

Đến nay, 100% trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và đánh giá học sinh; 31/58 trường (53,4%) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% trường học sử dụng sổ liên lạc điện tử; 100% trường học sử dụng quản lý và khai thác hồ sơ điện tử…

Ngoài ra, các trường học trên địa bàn thành phố đều chú trọng tuyển sinh trực tuyến, triển khai hồ sơ điện tử, sử dụng phòng họp trực tuyến, phòng họp không giấy tờ, xây dựng ngân hàng bài giảng trực tuyến dùng chung toàn ngành, thanh toán không dùng tiền mặt…

Trong năm học 2023 - 2024, các trường tích cực tổ chức dạy học kết nối theo mô hình 3-2-1, có hơn 250 tiết học kết nối với các lớp học ở nước ngoài, hơn 800 tiết học kết nối ngoài tỉnh; tổ chức 3 cuộc thi online với 17.597 học sinh tham gia; 100% giáo viên có kỹ năng dạy học trực tuyến; nhiều giáo viên đã lập được kênh dạy học cá nhân với hàng nghìn lượt truy cập.

Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Mường Khương luôn coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường học, trung tâm đều có phòng học tin học, đội ngũ giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, kết hợp giảng dạy trình chiếu tăng tính tương tác, nâng cao chất lượng giảng dạy. Năm học 2023 - 2024, 100% trường tiểu học và THCS tổ chức dạy môn Tin học.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các trường sử dụng hiệu quả thiết bị trình chiếu, phòng họp trực tuyến trong dạy học và quản lý; triển khai, thực hiện phần mềm quản lý văn bản VNPT-Ioffice theo quy định; sử dụng hồ sơ điện tử đối với tất cả các khối lớp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học (quản lý dạy học, quản lý học sinh trên phần mềm; khai thác học liệu, giáo án điện tử, dạy học trực tuyến...).

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 593/593 cơ sở giáo dục có kết nối internet, trong đó trên 74% học sinh toàn tỉnh được tiếp cận, học môn Tin học. 100% cơ sở giáo dục đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất...; quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên. 100% giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức hàng nghìn giờ học kết nối, trong đó 640 giờ học kết nối với lớp học ở các nước như Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan, Ấn Độ...

Tích cực chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2023 - 2024, tỉnh Lào Cai có 8 học sinh đạt giải môn Tin học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số đã và đang giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy; hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng internet, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người, mọi nơi với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Đồng thời, thúc đẩy triển khai học liệu số, hình thành kho học liệu mở dùng chung cho toàn ngành; liên kết với các tổ chức trên thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, khuyến khích và hỗ trợ thực hiện các mô hình giáo dục và đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-giao-duc-post392320.html
Zalo