Quốc gia châu Á chuyển từ dạy ngữ pháp sang giao tiếp, trình độ tiếng Anh ra sao?

BANGLADESH - Tại Bangladesh, quá trình phát triển phương pháp giảng dạy tiếng Anh đã phản ánh những thay đổi lớn trong chủ trương giáo dục cũng như thực tế nhu cầu xã hội.

Trong khi phương pháp truyền thống tập trung vào ngữ pháp đang chiếm ưu thế, quốc gia này đã tiến hành các bước để tăng khả năng giao tiếp cho người học.

Di sản lịch sử
Giáo dục tiếng Anh ở Bangladesh có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa Anh. Trong thời gian này, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong quản lý, giáo dục và được giới tinh hoa sử dụng rộng rãi.

Sau khi Bangladesh giành độc lập vào năm 1971, tiếng Anh vẫn giữ vị trí nhất định, chủ yếu ở giới tinh hoa và các trung tâm đô thị. Tuy nhiên, trọng tâm nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa và ngôn ngữ dân tộc đã chuyển sang việc thiết lập tiếng Bengali là ngôn ngữ quốc gia, đặc biệt là sau Phong trào Ngôn ngữ năm 1952.

Chính phủ Bangladesh yêu cầu học tiếng Anh từ lớp 1 và tiến hành chuyển đổi từ phương pháp dạy ngữ pháp sang tập trung vào giao tiếp. Ảnh: Melanie_ko

Chính phủ Bangladesh yêu cầu học tiếng Anh từ lớp 1 và tiến hành chuyển đổi từ phương pháp dạy ngữ pháp sang tập trung vào giao tiếp. Ảnh: Melanie_ko

Phương pháp Ngữ pháp - Dịch (GTM) đã chiếm ưu thế trong việc giảng dạy tiếng Anh. Phương pháp này tập trung vào việc ghi nhớ quy tắc ngữ pháp và từ vựng, chủ yếu qua ngôn ngữ viết và các bài tập dịch. Mặc dù nó cung cấp một nền tảng cấu trúc cho việc học ngôn ngữ nhưng thường bỏ qua việc phát triển kỹ năng giao tiếp thực tiễn.

Kết quả là học sinh tốt nghiệp thường có kiến thức lý thuyết về tiếng Anh nhưng lại khó sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong các tình huống thực tế.

Các nhà hoạch định chính sách Bangladesh nhận thức rõ rằng khả năng giao tiếp hiệu quả là yếu tố then chốt cho sự thành công, từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách về việc cải cách hệ thống giáo dục nhằm khắc phục những thiếu sót.

Bước ngoặt trong chính sách ngoại ngữ

Những năm 1990 đánh dấu bước ngoặt cho giáo dục tiếng Anh tại Bangladesh. Hội đồng Chương trình Quốc gia về Sách giáo khoa Bangladesh (NCTB) đã giới thiệu Phương pháp Giảng dạy Ngôn ngữ Giao tiếp (CLT) vào năm 1996, theo nghiên cứu của Kabir trên The Qualitative Report.

CLT nhấn mạnh sự tương tác như phương thức chính để tiếp thu ngôn ngữ, khuyến khích các hoạt động giúp học sinh phát triển kỹ năng nói, nghe, đọc và viết trong bối cảnh thực tế.

Sự chuyển đổi này khởi động từ Dự án Cải tiến giảng dạy Ngôn ngữ Anh (ELTIP) nhằm nâng cao việc dạy và học tiếng Anh ở tất cả các cấp học.

Bộ sách giáo khoa mới cho lớp 9-10 và 11-12 đã được giới thiệu để hỗ trợ chương trình này, với mục tiêu giúp học sinh không chỉ nắm vững ngữ pháp tiếng Anh mà còn giao tiếp hiệu quả.

Tuy vậy, việc chuyển từ tập trung vào học ngữ pháp sang giao tiếp gặp nhiều thách thức.

Kết quả học tập của học sinh chưa đạt kỳ vọng, chủ yếu do thiếu cơ sở hạ tầng và tài nguyên phù hợp. Nhiều lớp học vẫn duy trì lối học thuộc lòng, thiếu môi trường tương tác cần thiết. Không ít giáo viên tiếng Anh được đào tạo theo chương trình chỉ tập trung vào ngữ pháp nên khó áp dụng phương pháp giao tiếp mới.

Nỗ lực cải cách giáo dục tiếng Anh

Trong vài thập kỷ gần đây, chính phủ Bangladesh đã nỗ lực đồng bộ hóa chính sách giáo dục với các mục tiêu phát triển quốc gia. Chính sách Giáo dục Quốc gia năm 2010 nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc biến Bangladesh thành một "Bangladesh Kỹ thuật số" vào năm 2021.

Chính phủ nhận thức rằng tiếng Anh không chỉ là một môn học trong chương trình giảng dạy mà còn là một kỹ năng thiết yếu cho sự phát triển quốc gia trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kinh doanh và giao tiếp.

Chính sách này nêu rõ các mục tiêu liên quan đến giáo dục tiếng Anh, nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ cũng khởi động một số chương trình nhằm đào tạo năng lực giáo viên và cải thiện tài nguyên trong giảng dạy tiếng Anh.

Kỹ năng tiếng Anh cũng được thúc đẩy ở các cộng đồng nông thôn và yếu thế. Các chương trình đặc biệt đã được triển khai để cung cấp quyền tiếp cận giáo dục tiếng Anh cho học sinh ở các khu vực xa xôi và đảm bảo sự khác biệt về địa lý không cản trở cơ hội học ngôn ngữ.

Năm 2012, Bangladesh ghi nhận hơn 17 triệu trẻ em học tiếng Anh, khiến nước này từng trở thành một trong những nơi có nhiều học sinh học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai nhất thế giới.

Dù còn gặp nhiều thách thức nhưng đã có những cải thiện trong năng lực tiếng Anh tại Bangladesh. Theo xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của tập đoàn giáo dục quốc tế Thụy Sĩ EF Education First (EF EPI) năm 2023, Bangladesh được đánh giá ở mức độ “thông thạo trung bình”, xếp thứ 8 tại châu Á, trên Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-gia-day-tieng-anh-tu-lop-1-chuyen-tu-ngu-phap-sang-giao-tiep-gio-ra-sao-2335329.html
Zalo