Chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực Tài chính
Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 với quan điểm phát huy, kế thừa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về chuyển đổi số.
Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC
Kế hoạch xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính là đột phá quan trọng, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa ngành Tài chính vươn lên, phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Bộ Tài chính yêu cầu chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực Tài chính.
Xác định chuyển đổi số ngành Tài chính là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực do Bộ Tài chính quản lý (ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, dự trữ ...); được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Tài chính; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.
Kế hoạch đưa ra một số mục tiêu định hướng đến năm 2030, cụ thể: Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo.
Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tài chính từ Trung ương (Bộ Tài chính) đến địa phương (Các Cơ quan Thuế, Hải quan, Dự trữ, Kho bạc khu vực ...) trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các đơn vị trong ngành Tài chính. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu.
Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính (TTHC); giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải thực hiện trực tuyến thông suốt, liền mạch và hiệu quả, đảm bảo minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Phấn đấu 50% chỉ tiêu thống kê của ngành tài chính được cung cấp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành dưới dạng dữ liệu số khi có yêu cầu; 100% các thông tin, dữ liệu Bộ Tài chính được tích hợp, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin của Trung ương Đảng, Quốc hội khi có yêu cầu; 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được theo dõi, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu số…
Đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, nâng cao nhận thức các đơn vị thuộc Bộ để đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Tài chính.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, tài sản công, thuế, doanh nghiệp,... để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực. Rà soát quy trình nghiệp vụ, cắt giảm các TTHC, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thủ tục giấy và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tiếp tục xây dựng, đầu tư, duy trì hệ thống hạ tầng số của Bộ Tài chính (trang thiết bị máy chủ, hệ thống lưu trữ, kênh truyền, thiết bị mạng, thiết bị tường lửa ...) đảm bảo các hệ thống ứng dụng của Bộ Tài chính hoạt động ổn định, bền vững, phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung toàn ngành. Khai thác hiệu quả trung tâm dữ liệu của Bộ Tài chính tập trung phục vụ nhu cầu của các đơn vị thuộc Bộ.
Tiếp tục duy trì, tăng cường triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số nói chung, chính phủ số, kinh tế số, an toàn thông tin cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Tài chính. Nghiên cứu các chính sách đãi ngộ, thu hút, tuyển dụng, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ cho cán bộ đang làm công tác triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành hoặc thuê chuyên gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, trong đó có phương án phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tạo lập, quản lý, cập nhật, chia sẻ, khai thác bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, “dọc, ngang thông suốt” trên quy mô quốc gia.
Đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công do Bộ Tài chính quản lý mà không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu; tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ Nhân dân.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả nền tảng hóa đơn điện tử, khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống và dịch vụ bán lẻ với chế tài phù hợp, tăng cường thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử đối với các nhà cung cấp nước ngoài; cùng với tổ chức kiểm tra thực hiện, triển khai trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng và triển khai nền tảng cửa khẩu số, cảng biển số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia tương tác, sử dụng các dịch vụ của Bộ Tài chính.