Chuyển đổi số tại doanh nghiệp: Thấy gì từ kết quả ấn tượng và những đòi hỏi từ thực tiễn?

Đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để tránh tụt hậu và phát triển. Điều này có thể thấy thông qua thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và coi trọng giá trị của của dữ liệu doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp.

Những kết quả ấn tượng từ một chặng đường không dài

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Theo đó, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện.

Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số đóng vai trò là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Từ nền tảng đó, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, chuyển đổi số tiếp tục diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Trong ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking…).

Ở nhóm “big 4” các ngân hàng lớn nhất Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ trong năm 2020. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, là dịch vụ mới nổi bật với sự đồng nhất về trải nghiệm, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng tiên phong triển khai lắp đặt ATM đa chức năng (CDM) trên thị trường thẻ, từ đó, Agribank mở rộng tới các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, như ngân hàng tự động Autobank, ứng dụng định danh khách hàng trực tuyến (eKYC), giao dịch rút tiền không cần thẻ,… thay thế dần các phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả.

Sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe công nghệ của nước ngoài như Grab hay Uber chính là đòn bẩy tạo giúp hình thành nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo - là những doanh nghiệp có mô hình hoạt động mới dựa hoàn toàn trên nền tảng công nghệ. VinGroup cũng đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất với VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với VinGroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,…

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistics, giao nhận, thương mại, xuất - nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Dù chưa có các thống kê chính thức, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima...) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.

Từ cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện, gồm 3 giai đoạn: xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; khai thác số hóa hiệu quả cho vận hành; quản trị toàn diện bằng dữ liệu. Việc chuyển đổi số trong vận hành cho phép tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và Tập đoàn Hòa Phát để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Chương trình thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hết năm 2023, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thực hiện số hóa 80% cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2025, 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng thực hiện trên môi trường số, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe công nghệ của nước ngoài như Grab hay Uber chính là đòn bẩy tạo giúp hình thành nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo - là những doanh nghiệp có mô hình hoạt động mới dựa hoàn toàn trên nền tảng công nghệ...

Có thể nói, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ, như: quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Những khó khăn cần được tháo gỡ

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng với tốc độ phát triển rất nhanh chỉ trong vòng chưa đến 4 năm qua. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết để quá trình này đạt được hiệu quả.

Thứ nhất, Trở ngại từ công nghệ. Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên nền tảng của hệ thống internet. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới.

Thứ hai, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trên bình diện quốc gia, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 90.000 nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, trong khi các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ ba, Khó khăn từ vốn đầu tư. Đầu tư cho chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, đầu tư lớn cũng chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại. Chính vì thiếu vốn, nên nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm khoảng 95% tổng số lượng doanh nghiệp) cho rằng, chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn. Vì thiếu vốn nên khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thường chọn “điện toán đám mây” là công nghệ để đầu tư nhiều nhất, bởi cho phép các doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng khi có nhu cầu mà không phải đầu tư nhiều vốn vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, do các doanh nghiệp lớn không phải chịu nhiều áp lực về tài chính cho hoạt động chuyển đổi số, điều này dẫn tới cuộc đua chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp lớn theo "kiểu mạnh ai nấy làm" có thể gây lãng phí, tiêu cực.

Thứ tư, nhận thức của doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp, nguồn tài chính đến tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, về tính hiệu quả của chuyển đổi số... Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, qua ý kiến của nhiều chuyên gia được tổng hợp tại các diễn đàn, hội thảo, nghiên cứu, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong toàn doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp sẽ tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ chuyển đổi số là sự thay đổi quy mô lớn, đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh cơ bản. Cần thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường. Do đó, chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số.

Hai là, hiện nay, các giải pháp số trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp không phải là đơn giản, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp tiềm lực tài chính còn hạn chế, các doanh nghiệp cần có kế hoạch, sắp xếp, có thể lựa chọn làm từng phần, từng công đoạn, đồng thời tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thực hiện chuyển đổi số cho phù hợp với năng lực của mình.

Ba là, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu sâu sắc về công nghệ. Do đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên và nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Các nhân sự của doanh nghiệp cần phải được chú trọng đào tạo về các giải pháp số, cập nhật kiến thức về các xu hướng kinh doanh mới, các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... để nâng cao năng suất lao động, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Bốn là, đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số. Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách khuyến khích, có chương trình hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về bảo mật thông tin, dữ liệu.

Năm là, để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công cần có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) phù hợp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp ở quốc gia phát triển trên thế giới để nắm bắt những tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, đồng thời tiếp cận với công nghệ và phương pháp mới.

Ngọc Hân

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chuyen-doi-so-tai-doanh-nghiep--thay-gi-tu-ket-qua-an-tuong-va-nhung-doi-hoi-tu-thuc-tien-129930.htm
Zalo