Chuyển đổi số phát thanh - Cơ hội và thách thức
'Chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình, chứ không phải hôm nay mua một hệ thống mới bật lên và off hệ thống cũ đi' - đây là nhận xét của Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - TS. Vũ Hải Quang.
“Chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình, chứ không phải hôm nay mua một hệ thống mới bật lên và off hệ thống cũ đi, do vậy Đài TNVN đang khẩn trương thực hiện từng bước cho quá trình này một cách bài bản, thận trọng.” TS. Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám Đốc Đài TNVN, nhận xét như vậy trong buổi phỏng vấn với Ban Đối Ngoại nhân ngày Phát thanh Thế giới 13/2 về quá trình CĐS tại Đài TNVN. Theo ông Vũ Hải Quang, việc nâng cao năng lực số của phóng viên, biên tập viên, và kỹ thuật viên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình CĐS.
![TS. Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51456374/76b9ecfcdbb232ec6ba3.jpg)
TS. Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
PV: Cảm ơn Phó Tổng Giám Đốc Đài TNVN Tiến sỹ Vũ Hải Quang đã nhận lời tham gia phỏng vấn của Ban Đối ngoại về CĐS tại Đài TNVN (VOV) nhân ngày Phát thanh Thế giới 13/2. Ông đánh giá thế nào về xu hướng CĐS phát thanh hiện nay?
TS. Vũ Hải Quang: Chuyển đổi số trong phát thanh là một xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích vượt trội, nhưng cũng đi kèm với những thách thức đáng kể. Thứ nhất việc CĐS giúp các đài phát thanh mở rộng phạm vi tiếp cận bằng cách sử dụng các nền tảng phát thanh số (radio online, podcast, streaming) để đưa nội dung phát thanh vượt qua giới hạn địa lý. Nó giúp người nghe có thể tiếp cận chương trình mọi lúc, mọi nơi, thay vì chỉ qua sóng FM/AM truyền thống.
Thứ hai CĐS giúp nâng cao trải nghiệm người nghe bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cá nhân hóa nội dung, đề xuất chương trình phù hợp với sở thích người dùng. Với việc sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói, chuyển đổi văn bản thành giọng nói (TTS) và ngược lại, giúp tăng khả năng tiếp cận cho người khiếm thị hoặc không thể đọc nội dung. Đặc biệt là giảm công sức đáng kể cho biên tập viên khi biên tập chương trình.
Thứ ba, với những dữ liệu từ nền tảng số giúp nhà đài hiểu rõ hành vi người nghe, từ đó tối ưu hóa nội dung, cải thiện chất lượng chương trình.
Thứ tư, CĐS giúp nhà đài đa dạng hóa mô hình kinh doanh do việc quảng cáo có thể cá nhân hóa theo từng nhóm đối tượng, tăng hiệu quả và doanh thu và các mô hình kinh doanh mới như thuê bao (subscription), nội dung độc quyền (exclusive content) giúp các đài có nguồn thu bền vững.
PV: Vậy thưa Tiến sỹ, quá trình CĐS ở Đài TNVN được thực hiện như thế nào, đã và đang ở giai đoạn nào? Và trong quá trình này Đài TNVN có gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
TS. Vũ Hải Quang: VOV đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa hoạt động phát thanh và truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của khán thính giả.
Ở mảng biên tập, SXCT và lưu trữ thì Đài TNVN đã thực hiện việc số hóa từ những năm 2000, đây là tiền đề cho việc CĐS. Chúng ta biết rằng CĐS là một quá trình, chứ không phải hôm nay mua một hệ thống mới bật lên và Off hệ thống cũ đi, do vậy chúng tôi đang khẩn trương thực hiện từng bước cho quá trình này một cách bài bản, thận trọng.
![(Ảnh minh họa - KT)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51456374/251f825ab5145c4a0505.jpg)
(Ảnh minh họa - KT)
Để triển khai hiệu quả đề án này, Đài TNVN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Xây dựng Đề án CĐS, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Thứ 2, ngày 1/8/2024, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã phê duyệt "Đề án Chuyển đổi số tại Đài TNVN" theo Quyết định số 2076/QĐ-TNVN.
Thứ 3, để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, Đài TNVN đã tổ chức các hội thảo và khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số báo chí, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi.
Ở giai đoạn hiện tại thì Đài TNVN đang tập trung vào việc triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng nền tảng số để hiện thực hóa Đề án CĐS dựa trên những hạ tầng đã có, bổ sung, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng số, hệ thống quản trị CMS và các phần mềm ứng dụng khác.
Quá trình thực hiện CĐS của Đài TNVN có những thuận lợi, thứ nhất là về hạ tầng công nghệ. Đài TNVN đã có nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tương đối vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp số.
Thứ hai, là cơ quan truyền thông hàng đầu Quốc gia, Đài TNVN có kinh nghiệm và uy tín, dễ dàng thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ các đối tác công nghệ.
Tuy nhiên Đài TNVN cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện CĐS. Đó là: Việc chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ nhân lực có kỹ năng số cao, trong khi nguồn nhân lực hiện tại còn hạn chế về mặt này, chưa đồng đều. Thứ nữa là về đầu tư tài chính. Quá trình CĐS đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cho hạ tầng và công nghệ, điều này có thể gây áp lực về ngân sách trong khi Đài TNVN cả nguồn vốn đầu tư và thường xuyên đều dựa vào NSNN là chính. Và cuối cùng là việc thay đổi tư duy bởi CĐS không chỉ là thay đổi công nghệ mà còn là thay đổi tư duy và văn hóa làm việc, điều này có thể gặp không ít khó khăn trong việc triển khai.
PV: Chúng ta biết rằng phạm vi ứng dụng cho phát thanh trên các nền tảng số rất rộng. Song trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế thì những ứng dụng nào được coi là hiệu quả nhất hiện nay để các đài phát thanh hướng tới, tập trung hơn, thưa Tiến sỹ?
TS. Vũ Hải Quang: Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, các đài phát thanh nên tập trung vào những ứng dụng có tác động mạnh đến số đông công chúng và dễ triển khai như Phát thanh trực tuyến bởi dạng thức này phù hợp với các đài phát thanh truyền thống chuyển đổi lên môi trường số và có thể giúp các đài PT tận dụng các website, ứng dụng di động và nền tảng như YouTube, Facebook Live, Zalo để phát trực tiếp.
Hiện nay dạng thức Podcast với các ứng dụng như Podcast, Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts đang phát triển mạnh mẽ, sẽ giúp nội dung phát thanh tiếp cận người dùng mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra định dạng này phù hợp với các chương trình chuyên đề, phân tích, phỏng vấn, và những câu chuyện truyền cảm hứng.
Chúng ta có thể tận dụng sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, hay Instagram, với các phiên bản ngắn từ nội dung phát thanh (như là các trích đoạn audio, video ngắn) để thu hút người nghe. Chúng ta phải xây dựng cộng đồng khán thính giả để tương tác, gia tăng niềm tin của khán thính giả với nhà đài.
Một loại hình nữa chúng ta có thể sử dụng đó là Loa thông minh. Ngoài việc tích hợp các chương trình với các hệ thống điều khiển ở gia đình thì người dùng chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói như khi người ta đang lái xe, hay như đối với các bà nội trợ đang nấu ăn trong bếp thì sẽ rất tiện lợi bằng các công cụ trợ giúp như Smart Speaker, Google Assistant, hay Alexa. Và cần phải tối ưu hóa nội dung để có thể phát trên các thiết bị như Google Nest, Amazon Echo. Cần phải xây dựng kênh tin tức, bản tin nhanh dành riêng cho người dùng loa thông minh.
Một ứng dụng tiếp nữa là radio thông minh. Đây là mô hình rất quen thuộc với người dùng hiện nay. Thay vì dùng radio phải thu các sóng AM, FM mà có chỗ thì rất khó nghe do bị vật cản thì radio thông minh hay radio internet giúp ta cứ ở đâu có sóng wi-fi là ta đều có thể nghe được và cũng không bị giới hạn về mặt biên giới quốc gia. Và chúng ta có thể sử dụng các ứng dụng ở trên website hoặc các ứng dụng OTT. Chúng ta biết rằng phát triển ứng dụng tích hợp trên các nền tảng radio như là TuneIn, VOV Media, hoặc ngay cả kết hợp được với VTV Go của VTV thì càng tốt hơn. Và cuối cùng là để cung cấp nội dung theo yêu cầu, thì phải cá nhân hóa trải nghiệm của người nghe.
Tóm lại, để chuyển đổi số thành công, các đài phát thanh cần thay đổi tư duy nội dung, nâng cao kỹ năng số cho nhân sự và cần phải có sự đầu tư về công nghệ, tận dụng tối đa các nền tảng phân phối hiệu quả như Podcast, mạng xã hội, phát thanh trực tuyến, loa thông minh, Radio Internet. Đây là hướng đi giúp mở rộng phân khúc khán thính giả và tăng sức cạnh tranh trong môi trường số.
PV: Từ góc độ của nhà quản lý phát thanh thì theo Tiến sỹ các PV, BTV, KTV cần làm gì để tham gia vào quá trình CĐS, sản xuất nội dung, phân phối sản phẩm trên nền tảng số?
TS. Vũ Hải Quang: Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy trong sản xuất nội dung, phân phối sản phẩm. Để thích ứng với môi trường số thì các PV, BTV cần nâng cao kỹ năng số như biết cách sử dụng các công cụ biên tập âm thanh, video, đồ họa để sản xuất nội dung đa phương tiện và quản trị các dữ liệu trên môi trường số; thay đổi tư duy nội dung theo hướng không chỉ viết kịch bản như cho radio truyền thống mà cần sáng tạo nội dung phù hợp với nền tảng số như Podcast, video ngắn (Reels, TikTok), bài viết trên MXH; tận dụng AI và dữ liệu bằng cách ứng dụng AI để hỗ trợ biên tập nội dung, ứng dụng SEO (tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm), phân tích hành vi người nghe để cá nhân hóa nội dung.
Còn với các kỹ sư, kỹ thuật viên thì cần tham gia vào chuyển đổi hạ tầng phát thanh số như xây dựng các công cụ biên tập, sản xuất nội dung, quản trị dữ liệu, quản trị tác nghiệp và phân phối nội dung trên môi trường số và đa nền tảng; tích hợp công nghệ mới: Tận dụng AI cho chuyển đổi văn bản - giọng nói, ứng dụng công nghệ text-to-speech (TTS) để tự động hóa nội dung đọc; dùng các công cụ chuyển ngữ tự động, nhất là VOV hiện nay đang phát sóng 12 thứ tiếng nước ngoài, nếu dùng công cụ chuyển ngữ sẽ giảm rất nhiều công sức của PV, BTV & PTV; và cuối cùng là xây dựng nền tảng phân phối nội dung: Đưa nội dung lên các nền tảng số như Podcast, Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts, hay Radio Internet.
PV: Ngày Phát thanh thế giới năm nay có chủ đề “Radio và biến đổi khí hậu”, trong đó tập trung vào vai trò của radio trong việc giáo dục, thông tin, nâng cao năng lực cho thính giả trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nhằm thúc đầy sự hợp tác toàn cầu và làm phong phú thêm phạm vi đưa tin về các vấn đề biến đổi khí hậu. Nhân dịp này Tiến sỹ có thông điệp gì về vai trò của phát thanh trong việc giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu?
TS. Vũ Hải Quang: Chúng ta biết rằng Phát thanh không chỉ là phương tiện truyền thông quen thuộc mà còn là cầu nối tri thức, giúp người dân hiểu rõ hơn về những tác động của biến đổi khí hậu và cách thích ứng với nó.
- Thực tế là radio luôn là Nguồn thông tin kịp thời và đáng tin cậy. Khi thiên tai xảy ra – bão, lũ lụt, hạn hán – phát thanh vẫn luôn là phương tiện nhanh nhất, dễ tiếp cận nhất để cảnh báo và hướng dẫn cộng đồng cách ứng phó.
- Radio có vai trò giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường. Qua các chương trình phát thanh, người dân có thể tiếp cận kiến thức về bảo vệ môi trường, lối sống bền vững, tiết kiệm tài nguyên, từ đó góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu.
- Radio tạo nên sự kết nối cộng đồng và thúc đẩy hành động. Phát thanh không chỉ cung cấp thông tin mà còn truyền cảm hứng, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo.
Nhân Ngày Phát thanh Thế giới, tất cả chúng ta hãy cùng lắng nghe – học hỏi – hành động, để radio tiếp tục là người bạn đồng hành trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!