Chuyển đổi số ở Thừa Thiên Huế tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp nền tảng có tính đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số trên các lĩnh vực và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Ứng dụng AI vào công tác đảm bảo an ninh trật tự
Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến đầu tháng 11/2024, tỉnh đã đưa vào vận hành hơn 20 dịch vụ trên Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S), gồm: phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…
Các dịch vụ đô thị thông minh vận hành trên nền tảng Hue-S bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như hình thành thói quen sử dụng dịch vụ trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh…
Đặc biệt, hệ thống camera hiện nay đã kết nối hơn 650 camera trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ cho công tác giám sát đảm bảo ANTT, giao thông, môi trường. Hiện nay, trung tâm HueIOC đã ứng dụng các giải pháp AI để ghi nhận các trường hợp vi phạm giao thông chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đồng thời hệ thống giám sát Camera ứng dụng công nghệ AI đã và đang hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình điều tra các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo ANTT.
Trong năm 2024, Trung tâm IOC đã phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết, làm rõ 25 vụ việc. Trong đó, 15 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ cướp giật tài sản, 5 vụ liên quan đến Luật Giao thông đường bộ; 1 vụ về rải tờ rơi cho vay nặng lãi… Bên cạnh đó, thông qua hệ thống giám sát camera tại Trung tâm IOC đã xác minh và chuyển cơ quan Công an xử lý 17.543 phản ánh vi phạm, xử phạt hành chính hơn 2.000 trường hợp với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Cùng với TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương được Bộ Công an, Bộ Tư pháp lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Sau hơn 7 tháng triển khai, đến nay, đã có hàng ngàn hồ sơ công dân nộp qua VNeID. Đối với Công an tỉnh, đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong thực hiện cấp phiếu Lý lịch tư pháp; có các giải pháp thực hiện thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử; bố trí nhân lực hỗ trợ, phối hợp hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan đến thông tin tài khoản VNeID, cài đặt ứng dụng VNeID cho người dân khi thực hiện giao dịch cấp phiếu Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tại các huyện, thị xã, thành phố Huế và tại UBND cấp xã. Hầu hết, hồ sơ cấp phiếu Lý lịch Tư pháp qua VNeID đều được trả đúng hẹn, trước hẹn; chỉ có vài hồ sơ trễ hẹn là hồ sơ có án tích, cần có thời gian để xác minh các cơ quan liên quan theo quy định.
Hoàn thiện tích hợp Chính quyền điện tử
Theo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1 triệu tài khoản đăng ký Hue-S, trung bình mỗi năm ghi nhận hơn 25 triệu lượt truy cập. Hue-S còn kết nối với 52 tỉnh, thành phố và hơn 15 quốc gia trên thế giới. Hiện đã có hơn 200.000 tài khoản ví điện tử được tích hợp thành công trên ứng dụng Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S. Hue-S đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến… Đồng thời, tiếp tục nâng cấp và phát triển các ứng dụng cho nhiều đối tượng khác nhau như: đảng viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức viên chức, cơ quan báo chí, hội phụ nữ, tổ công nghệ số cộng đồng…
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, đã có 483 cơ quan, đơn vị (đạt 100%) cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Internet tập trung. Tỉnh đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử như: nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP). Nền tảng này tiếp tục được duy trì kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP).
Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia tiếp tục được vận hành hiệu quả. Đối với hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được áp dụng thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia theo mô hình 4 cấp; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử. Việc sử dụng, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng hoàn toàn thay văn bản giấy góp phần tiết kiệm lượng lớn kinh phí.
Bên cạnh đó, 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được cấp chữ kỹ số cho đơn vị và các cá nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15.890 chứng thư số chuyên dùng được các cơ quan, đơn vị sử dụng ký số trong công việc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa các Nghị quyết của Tỉnh ủy, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện.
"Việc phát triển mạnh mẽ nền tảng số, xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan, tổ chức, phát triển hạ tầng dữ liệu, phát triển dữ liệu; bảo đảm duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu... cũng là những khâu đột phá các cơ quan, đơn vị hiện đang đẩy mạnh triển khai thực hiện", ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Thừa Thiên Huế được vinh danh giải thưởng Thành phố Thông minh
Tháng 11/2024 vừa qua, tại Tokyo, Nhật Bản; tỉnh Thừa Thiên Huế đã được vinh danh giải thưởng Thành phố Thông minh - ASOCIO Smart City Award do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức. Năm nay, giải thưởng ASOCIO DX Award được trao ở 10 hạng mục, gồm: Thành phố thông minh; Giáo dục số; Y tế số; Chính phủ số; An ninh mạng; ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)... Việt Nam có 9 đại diện xuất sắc được vinh danh, trong đó, Thừa Thiên Huế là đơn vị nhận giải thưởng Thành phố Thông minh được ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số.