Bình Định đang 'tồn kho' khoảng 600 căn nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, các dự án nhà ở xã hội đang tồn kho khoảng 600 căn, bình quân bán trong năm 2024 chỉ được 350 căn. Điều này khiến chủ đầu tư giảm tiến độ, không dám đầu tư.

Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 - Lamer 2 vừa hoàn thành trong năm 2024 tại TP. Quy Nhơn.

Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 - Lamer 2 vừa hoàn thành trong năm 2024 tại TP. Quy Nhơn.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025, Bình Định dự kiến làm 742 căn, thấp hơn gần 1 nửa so với năm 2024 là 1.400 căn. Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho hay, đối với các dự án nhà ở xã hội đã được lựa chọn chủ đầu tư, “cái khó” hiện giờ đối với các chủ đầu tư là vốn đầu tư.

Ông Bảo đề cập, theo lựa chọn chủ đầu tư, chủ đầu tư chỉ cần có 20% vốn chủ sở hữu là đảm bảo doanh nghiệp được lựa chọn, phần còn lại là được phép vay. “Tuy nhiên, việc vay vốn hiện giờ không đơn giản mặc dù Chính phủ có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay”, ông Bảo nói.

Lý giải thêm, ông Bảo cho biết, tại thời điểm ban hành chủ trương thì lãi suất vay còn rất cao so với vay thương mại. Cùng với đó là điều kiện để được vay không hề đơn giản như trước đây mà chủ đầu tư phải có tài sản thế chấp, do đó các chủ đầu tư “kẹt vốn nên không dám đầu tư để thi công theo kế hoạch”.

Một lý do nữa ảnh hưởng kế hoạch là đầu ra sản phẩm. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2021, nhu cầu xã hội tăng nhanh vì giá đất cao nên nhiều người đăng ký mua căn hộ; có trường hợp chủ đầu tư bán 100 căn nhưng có 300 đơn đăng ký.

Nhưng theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, các dự án đang tồn kho khoảng 600 căn, bình quân bán trong năm 2024 chỉ được 350 căn. Đây cũng lý do khiến chủ đầu tư giảm tiến độ, không dám đầu tư.

Ông Bảo kỳ vọng, Luật Nhà ở mới quy định đối tượng mua nhà ở xã hội thoáng hơn thì số lượng người mua nhà ở xã hội nhiều hơn. Đồng thời, về giá, Sở Xây dựng cũng cố gắng kiểm soát ở mức giá 12 triệu đồng/m2 để thu hút được người mua.

Sở Xây dựng đang cố gắng thống kê số lượng dự án có khả năng hoàn thành được. Giám đốc Sở này khẳng định, về cơ bản kế hoạch dài hạn đảm bảo được, còn kế hoạch ngắn hạn trong năm, Sở Xây dựng chỉ đăng ký ở mức chỉ 50%.

“Nhìn lại các dự án đã triển khai nhưng các chủ đầu tư đều vướng về vốn và đầu ra”, ông Bảo tổng kết.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng, kế hoạch nhà ở xã hội giảm trong khi nhu cầu nhà ở xã hội trước đây tăng rất cao thì “chỗ này rất mâu thuẫn”; trước đây có 1 căn thì 3 người đăng ký, thì bây giờ 3 căn có 1 người đăng ký.

“Tại sao cũng con người đó, cũng dân số đó trước đây người ta nhu cầu cao nhưng bây giờ người ta không có nhu cầu, chứng tỏ chính sách nhà ở xã hội chúng ta có bất cập?”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đặt câu hỏi.

Có tình trạng dư thừa , Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lo lắng liệu nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh có còn hay không, nếu không còn thì phải tính lại. Ông Dũng khẳng định vẫn còn nhu cầu và phải nghĩ lại trước đây người ta mua để làm gì.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng việc mua nhà ở xã hội có việc đầu cơ khi mượn tên, mượn tuổi để mua nhà ở xã hội khi nhà ở xã hội đang sốt. Mua ở nhà ở xã hội 500 – 600 triệu, sang tên lại cũng kiếm được 1 đến 2 trăm triệu nên dù ở Hà Nội người ta vẫn mua.

“Doanh nghiệp cái gì lợi thì người ta làm, làm ra bán hết đó thì có vốn ngay thôi. Bây giờ, doanh nghiệp làm bán không được thì nói vay vốn khó và thời gian, tiến độ chậm; ngày xưa ngân hàng cũng cho vay chứ ai cho vay?”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra lại.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, đến năm 2030, Chính phủ giao cho tỉnh Bình Định chỉ tiêu 12.900 căn nhà ở xã hội. Đến nay, số lượng giấy phép, dự án tỉnh đã cấp, duyệt là khoảng trên 15.000 căn; đến năm 2025, tỉnh hoàn thành trên 5.000 căn.
Chủ tịch tỉnh Bình Định thừa nhận, vừa qua kiểm tra, hiện nay nhu cầu đang chững lại “xuống rất là nhanh, hết rồi, người mới vào ít quá”.
Song ông Tuấn cũng tin tưởng thời gian tới bùng nổ các dự án thì Bình Định sẽ đảm bảo, thậm chí vượt chỉ tiêu.
Về chỉ tiêu năm 2025, ông Tuấn cho rằng tỉnh phải cân đối để đảm bảo các nhà đầu tư xây xong về nguyên tắc phải tiêu thụ được, tránh tình trạng nhà ở xã hội không được sử dụng nếu để tồn lâu quá, nhiều quá thì sẽ lãng phí.

Nguyễn Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/binh-dinh-dang-ton-kho-khoang-600-can-nha-o-xa-hoi-d232300.html
Zalo