Chuyển đổi số nâng cao sức cạnh tranh ngành bán lẻ
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.
Doanh nghiệp FPT Digital hiện đang triển khai hơn 200 ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động bán hàng, sản xuất, cung ứng, tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp tại thị trường Việt. Theo đại diện doanh nghiệp đánh giá, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số và dịch vụ chuyển đổi bền vững - FPT Digital cho hay: "Ngành bán lẻ của Việt Nam là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất. Bên cạnh đó, xu hướng bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh và Việt Nam đang đặt mục tiêu rất lớn, chiếm 20% GDP của Việt Nam đến năm 2025 và tôi nghĩ đây là động lực cho ngành bán lẻ chuyển đổi số".
Bên cạnh đó, bán buôn, bán lẻ đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế. Trong bối cảnh này, hỗ trợ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể chậm trễ.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết: "Các doanh nghiệp đang phải chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng… sang môi trường trực tuyến nếu họ muốn tồn tại, tiếp tục phát triển trong tương lai. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược. Hiện nay, những doanh nghiệp lớn đã vào cuộc rất lâu, hoạt động rất bài bản, bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ gia đình cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ".
Nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi số, các chuyên gia phân tích, quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn; trong khi đặc tính của thương mại điện tử là không có ranh giới, do đó nếu các địa phương, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không chuyển đổi sẽ dần đánh mất thị trường.