Chuyển đổi số đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế

Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số. Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số, giúp họ nắm bắt xu hướng mới, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bằng cách tận dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, TikTok..., chị Phạm Thu Trang, ngụ phường Tô Châu (TP. Hà Tiên) thành công trong việc phát triển mô hình sản xuất và kinh doanh các loại mắm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thu nhập của gia đình chị từ các sản phẩm này đạt hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Chị Trang cho biết: “Tôi chọn bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội vì không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Nhờ tận dụng các nền tảng này, mỗi ngày gia đình tôi có thể bán hàng trăm đơn hàng”.

Theo nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh, chuyển đổi số là cơ hội lớn để phụ nữ nắm bắt thông tin thị trường, tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất, kinh doanh và mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới.

Việc đưa sản phẩm lên mạng xã hội và thương mại điện tử mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, giúp phụ nữ mở rộng sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập. Các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch ứng dụng công nghệ để thúc đẩy bán hàng trực tuyến. “Bán hàng online giúp sản phẩm được biết đến rộng rãi không chỉ trong địa phương mà còn cả nước, nâng cao giá trị và thu nhập cho gia đình”, chị Trần Thị Ngọc Lành, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) nói.

Đối với hoạt động hội, công nghệ số được sử dụng như phương tiện đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên phụ nữ tham gia vào tổ chức hội; nhiều tổ chức hội thành lập nhóm trên mạng xã hội để sinh hoạt.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp Võ Thị Thùy Trang cho biết: “Thay vì đi từng nhà để vận động, tuyên truyền, giờ đây thông qua nhóm Zalo, hội viên phụ nữ dễ dàng cập nhật thông tin về thời gian sinh hoạt, các phong trào hội phát động. Việc tiếp cận thông tin đa dạng giúp hội lồng ghép tuyên truyền hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” là khâu đột phá quan trọng giúp hội viên phụ nữ và tổ chức hội tận dụng cơ hội chuyển đổi số, tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Để thực hiện khâu đột phá này, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, tập huấn, hỗ trợ cán bộ, hội viên nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy trong thời kỳ kinh tế số. Các hoạt động này giúp phụ nữ nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số, cải thiện hiệu quả công việc và tính chuyên nghiệp trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng qua nền tảng số, kết nối và xúc tiến thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm ra, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài địa phương; tạo việc làm và cải thiện thu nhập, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Thời gian qua, các cấp hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phần mềm quản lý hội viên, xây dựng kênh YouTube, livestream bán hàng cho nữ chủ hộ kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp và quản lý hợp tác xã. Đồng thời, các hội tổ chức hội thi, mô hình sinh hoạt hội viên trên không gian mạng.

Hiện các cấp hội duy trì 1.247 trang, nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền và kết nối với hội viên. 100% cán bộ hội chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/chuyen-doi-so-dong-hanh-cung-phu-nu-phat-trien-kinh-te-23690.html
Zalo