Chuyển đổi số - cú hích đúng thời điểm

TS Nguyễn Hồng Quân, Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, Trường Đại học Ngoại thương nêu quan điểm, chuyển đổi số là một cú hích để Việt Nam vươn mình trong giai đoạn phát triển mới. Để tận dụng được quán tính từ cú hích này thì còn nhiều việc chúng ta cần làm.

Việt Nam đã bắt nhịp chuyển đổi số rất nhanh

PV: Nước ta đang trong giai đoạn về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời bước sang giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn hiện thực hóa khát vọng hùng cường, hay kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là chuyển đổi số. Là nhà nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế số, ông đánh giá như thế nào về tác động của chuyển đổi số tới việc chúng ta hiện thực hóa khát vọng hùng cường trong giai đoạn sắp tới?

TS Nguyễn Hồng Quân: Người ta vẫn nói rằng thế giới đã và đang trải qua 4 tầng công nghệ, tương ứng với 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Ở cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cơ giới hóa sản xuất với sự xuất hiện của năng lượng hơi nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai với sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng hóa hàng loạt quy mô lớn, sử dụng năng lượng điện, chúng ta đều đã “đứng ngoài cuộc chơi”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, tuy tiếp nhận muộn hơn thế giới nhưng chúng ta đã bắt nhịp tương đối tốt từ khi Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu ngày 19-11-1997. Điều đáng mừng là chúng ta đã có một số doanh nghiệp lõi trong lĩnh vực này, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

Với sự chủ động từ phía Đảng, Nhà nước, ngành công nghệ thông tin của nước ta đã có sự phát triển bùng nổ từ hạ tầng cho tới số lượng máy tính, điện thoại thông minh kết nối Internet và số người sử dụng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, Internet vào sản xuất, kinh doanh...

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Ở cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, chúng ta đã “đi tắt đón đầu” thành công, nhờ vậy đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta thoát khỏi danh sách những nước nghèo, kém phát triển, thu nhập thấp để bước vào hàng ngũ những nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, nói ngắn gọn là công nghệ thông minh. Với những thành tựu có được từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà chúng ta đã tận dụng được, Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số rất nhanh. Chúng ta đã kịp thời xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh truyền thông về chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chính sách thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng rất thiết thực.

Do đó, chuyển đổi số đã đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từ người dân đến doanh nghiệp đều đang trực tiếp thụ hưởng những thành quả của chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhất là Chính phủ điện tử, Chính phủ số, và tích cực tham gia vào chương trình chuyển đổi số, như chứng minh thư điện tử, hộ chiếu điện tử, thuế điện tử, dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến...

Nước ta cũng có những bước chuẩn bị về nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất bài bản. Một số trường đại học Việt Nam đã nhanh nhạy mở các khoa, chuyên ngành đào tạo mới như: AI, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu kinh doanh, kinh doanh thông minh...

Như vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị về hạ tầng và nhân lực chuyển đổi số nhằm tạo ra cú hích quan trọng để nước ta vươn mình trong bối cảnh mới ở tầng công nghệ thứ tư của thế giới.

PV: Có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số trong kinh tế cũng sẽ giúp nước ta kiểm soát dòng tiền trong lưu thông tốt hơn, qua đó hạn chế những dòng tiền ngầm khiến Nhà nước khó kiểm soát, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

TS Nguyễn Hồng Quân: Nước ta lâu nay vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong lưu thông. Giờ đây, với sự chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng nói riêng, thì dòng tiền sẽ minh bạch hơn. Do đó, các tính toán về mặt vĩ mô sẽ chính xác hơn, lượng tiền chúng ta bơm ra lưu thông hay hút vào như thế nào sẽ được kiểm soát hợp lý hơn.

Nếu vẫn duy trì cách thức sử dụng tiền mặt là chủ yếu thì sẽ không thể kiểm soát được những dòng tiền ngầm. Dòng tiền ngầm tạo ra những “cục máu đông” trong lưu thông tiền tệ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Đó là điều rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Chúng ta phải cắt được những “cục máu đông” ấy để mọi giá trị của nền kinh tế phải tuân theo trật tự và được đo lường bằng những đồng tiền rất rõ ràng, minh bạch.

Chắc chắn, nếu nước ta áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thanh toán, giao dịch thì sẽ tránh được những hệ lụy “cục máu đông” do dòng tiền ngầm gây ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ quản trị dòng tiền trong lưu thông tốt hơn và nước ta sẽ không phải mất quá nhiều chi phí để xử lý tiền mặt. Chuyển đổi số trong thanh toán cũng giúp vòng quay vốn thay đổi nhanh hơn.

Cần quản trị tốt nguồn tài nguyên dữ liệu

PV: Hiện nay, tài nguyên quý không chỉ là những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, đất hiếm hay kim loại... mà còn là tài nguyên dữ liệu, tài nguyên tri thức trên không gian mạng. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, quan trọng này, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Quân: Trong các tầng công nghệ trước, chúng ta chỉ biết tới khái niệm tích lũy tư bản, nhưng ở tầng công nghệ thứ tư, người ta thường nói nhiều tới tích lũy dữ liệu, bởi dữ liệu sẽ tạo ra tri thức. Với sự vận hành của AI thì kho dữ liệu càng lớn, lượng tri thức được sản xuất ra càng khổng lồ và phát triển rất nhanh chóng.

Nguồn dữ liệu rất lớn hiện nay đang tập trung vào những nền tảng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, nền tảng sàn thương mại điện tử... trên không gian mạng. Tất cả thông tin, dữ liệu của người dân Việt Nam cung cấp và tương tác trên các nền tảng số như mạng xã hội, ChatGPT... hầu như đều nằm trên không gian mạng. Nguồn dữ liệu đó đáng lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng các quốc gia lại đang thoải mái tiếp cận, sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ đó của Việt Nam để tạo ra giá trị, tạo ra dòng tiền. Như vậy, các nước đang tích lũy chính tri thức, trí tuệ từ dữ liệu của Việt Nam để sản xuất ra tri thức, kinh doanh lại tại Việt Nam, tạo ra nguồn thu lớn từ nước ta.

Ví dụ, ChatGPT là một nền tảng về AI, đang được coi là trợ lý ảo cho mọi đối tượng trong xã hội. Từ người dân bình thường cho đến cán bộ, công chức, viên chức hằng ngày vẫn liên tục nạp dữ liệu cho ChatGPT, thậm chí không ít người không ngần ngại đưa cả văn bản của Nhà nước lên ChatGPT để nhận lại một sản phẩm trí tuệ cụ thể nào đó. Mọi người đều tưởng rằng ChatGPT là trợ lý ảo miễn phí và tiện lợi. Tuy nhiên, ngạn ngữ phương Tây có câu rất nổi tiếng: “Không có bữa trưa nào là miễn phí”.

ChatGPT chắc chắn không phải là “bữa trưa miễn phí” ngon lành như mọi người lầm tưởng. Thông qua “trợ lý ảo” không thu tiền, ChatGPT liên tục tích lũy dữ liệu, liên tục học hỏi để hoàn thiện. Trong lúc con người phải dành thời gian để ăn uống, thư giãn, nghỉ ngơi, thì ChatGPT không ngừng nghỉ học hỏi, liên tục “tiêu hóa” kho dữ liệu khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới nạp cho nó. Để rồi, ChatGPT lại sản xuất ra những tri thức cực kỳ quý giá, bán lại cho chính những người từng nạp dữ liệu miễn phí cho nó, thu lại những khoản lợi nhuận kếch xù.

PV: Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét dự án Luật Dữ liệu, trong đó có những vấn đề mà ông vừa nêu ra. Đây có thể coi là một bước chuẩn bị nữa mà nước ta đang thực hiện để nhanh chóng thích nghi với tầng công nghệ thứ tư, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Quân: Tôi cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và đặc biệt quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta phải thay đổi được thói quen của người dân, doanh nghiệp và thậm chí là của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong việc đưa dữ liệu lên không gian mạng.

Cùng với đó, chúng ta phải nhanh chóng cổ vũ, thậm chí là hỗ trợ, tiếp sức để hình thành những doanh nghiệp, tập đoàn lõi có thể dẫn dắt cuộc chơi ở thị trường trong nước, thậm chí vươn ra thị trường thế giới trên các lĩnh vực trọng yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta đã có những doanh nghiệp dẫn dắt trên lĩnh vực thông tin, viễn thông để tạo ra bước nhảy vọt về chất trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và chúng ta cũng rất cần những doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung... Khi chúng ta nắm thế chủ động trong chuyển đổi số, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm chuyển đổi số, vận hành hệ thống chuyển đổi số với chi phí rẻ hơn.

Hơn nữa, chúng ta cần có sự đề phòng cần thiết, bởi giờ đây, chiến tranh không chỉ là bom đạn mà còn là chiến tranh trên không gian mạng. Nếu chúng ta phụ thuộc tất cả vào nước ngoài trên các lĩnh vực nền tảng của tầng công nghệ thứ tư, nền kinh tế của chúng ta sẽ trở nên rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Một số nước trong khu vực đã làm rất tốt việc này và họ đã có được những doanh nghiệp lõi có thể dẫn dắt cuộc chơi không chỉ trong nước, mà đã vươn tầm quốc tế rất mạnh mẽ. Đó là hướng phát triển tích cực, hiệu quả và bền vững.

Tóm lại, chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với một cơ hội lịch sử là cú hích từ chuyển đổi số để bắt kịp tầng công nghệ thứ tư. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội này thì quán tính từ cú hích sẽ đủ mạnh để nước ta vươn mình thành công. Ngược lại, nếu bị động thì chúng ta phải đối mặt với lực cản vô cùng lớn, ảnh hưởng tới việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CHIẾN THẮNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/viet-nam-khat-vong-hung-cuong/chuyen-doi-so-cu-hich-dung-thoi-diem-809813
Zalo