Chuyển đổi số cần sự chia sẻ, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, vùng miền
Để thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi phải vừa có kiến thức, kỹ năng vừa phải có phương tiện, nguồn lực để thực hiện; trong quá trình triển khai rất cần có sự trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các địa phương, vùng miền.
Các đại biểu nhấn nút ra mắt phần mềm chuyển đổi số
Ngày 22/6, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động Hội LHPN vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, đây là hội thảo đầu tiên về chuyển đổi số trong hệ thống Hội được tổ chức theo đặc điểm khu vực, vùng miền; qua đó đề cao tinh thần kết nối, chia sẻ giữa Hội LHPN các tỉnh trong khu vực.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó đối với nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó có Hội LHPN các cấp và hội viên phụ nữ; đòi hỏi phải vừa có kiến thức, kỹ năng vừa phải có phương tiện, nguồn lực để thực hiện; trong quá trình triển khai rất cần có sự trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các địa phương, vùng miền.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Hội LHPN các tỉnh thành tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế, xã hội.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên phụ nữ; vận động chị em tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do các ngành tổ chức.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất và vận động nguồn lực để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Tiếp tục thực hiện tốt các phần mềm đã được TƯ Hội triển khai, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở đạt chỉ tiêu đã đặt ra.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động Hội, công tác phụ nữ, nhất là việc bố trí ngân sách, trang bị cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên phụ nữ có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; đặc biệt là tại các địa bàn dân tộc thiểu số. Làm sao để không một cơ sở Hội nào ở vùng sâu vùng xa, không một hội viên phụ nữ nào ở vùng dân tộc thiểu số bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Hội LHPN Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến nhấn mạnh, hội thảo "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động Hội LHPN vùng Đồng bằng sông Cửu Long" là sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, nhằm hưởng ứng các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh và góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đồng tình rất cao với những nội dung TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai, việc chọn điểm nhấn của nhiệm kỳ là nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng của tỉnh trong việc phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là sự đột phá phù hợp, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về cải cách hành chính nhà nước tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Dịp này, Phó Chủ Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đã trao bảng tượng trưng 2 Mái ấm tình thương trị giá 100 triệu đồng cho Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, Tỉnh ủy Hậu Giang trao tặng 20 nhà đại đoàn kết trị giá 1 tỷ đồng cho Hội LHPN tỉnh. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cũng đã ra mắt phần mềm chuyển đổi số của Hội.