Chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để giảm tác động biến đổi khí hậu

Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là một bước đi vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế chung của các quốc gia toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, vào năm 2023 năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng 50% lên 510 gigawatt (GW) - năm thứ 22 liên tiếp công suất năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới. Đến năm 2028, dự báo các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu.

Theo báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Các quốc gia đứng đầu Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Sĩ, đây đều là những nền kinh tế phát triển. Pháp cũng nằm trong danh sách Top 5 nền kinh tế có điểm số cao do các chính sách hiệu quả về năng lượng.

Các nước đang phát triển dẫn đầu chuyển đổi năng lượng là Lebanon, Ethiopia, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi. Các quốc gia này cam kết giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, phân cấp năng lượng tái tạo và tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Trong danh sách trên, Việt Nam đứng thứ 32. Để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến nay, điện tái tạo đã chiếm khoảng trên 15% sản lượng điện toàn hệ thống.

Thời gian qua, sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch; giảm lượng phát thải CO2 theo cam kết quốc tế tại COP26 của Chính phủ Việt Nam.

Đây cũng là xu hướng chung của khu vực và thế giới. Cơ cấu nguồn điện thực tế đã có sự chuyển dịch đáng kể từ các nguồn năng lượng xám sang năng lượng sạch. Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió (Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines). Tuy vậy, đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.

Đáng chú ý, trong các năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và 29 tỷ kWh. Nhờ đó, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu. Đơn cử, năm 2019 giảm khoảng 2,17 tỷ kWh, năm 2020 và năm 2021 giảm 4,2 tỷ kWh, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng cho việc sử dụng dầu để phát điện.

Việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục được Chính phủ ưu tiên. Điều đó thể hiện tại Quy hoạch điện 8 được phê duyệt vào ngày 15/5/2023. Quy hoạch này đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Quy hoạch điện 8 hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất). Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Một số lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo

Sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện không tạo ra khí CO2 và các khí nhà kính khác trong quá trình sản xuất điện, từ đó giúp giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo (than đá, dầu mỏ và khí đốt), từ đó bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên cho các thế hệ tương lai.

Ngoài ra, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

Năng lượng tái tạo có thể được sản xuất tại chỗ, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-doi-nhien-lieu-hoa-thach-sang-nang-luong-tai-tao-de-giam-tac-dong-bien-doi-khi-hau-95949.html
Zalo