Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế mới bền vững cho ngư dân

Thủy sản Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo vệ nguồn lợi biển và đảm bảo sinh kế cho ngư dân.

Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho làm đơn hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho làm đơn hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Thủy sản Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo vệ nguồn lợi biển và đảm bảo sinh kế cho ngư dân. Việc khai thác quá mức, sự suy giảm tài nguyên biển, cùng với các yêu cầu bảo vệ môi trường đang thúc đẩy ngành thủy sản phải cơ cấu lại ngành mạnh mẽ. Để giải quyết vấn đề này giải pháp chính là chuyển đổi nghề và tạo sinh kế mới bền vững cho ngư dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững, Việt Nam đặt mục tiêu giảm mạnh khai thác thủy sản, đặc biệt là ở các vùng ven bờ, nơi nguồn lợi đang bị khai thác cạn kiệt. Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành thủy sản cần chuyển đổi khoảng 2.000 tàu cá hoạt động khai thác hải sản ven bờ, vùng lộng sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2026 – 2030, ngành cần chuyển đổi 4.000 tàu cá.

Từ thực tế tại địa phương, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, cần giải quyết vấn đề thiếu tàu khai thác ở vùng khơi và thừa tàu khai thác ở vùng ven bờ. Việc giảm tàu khai thác ven bờ và chuyển sang nuôi trồng thủy sản sẽ giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Về việc cắt giảm đội tàu khai thác thủy sản, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, cần đánh giá nguồn lợi thủy sản, xác định cơ cấu đội tàu phù hợp với nguồn lợi từng vùng biển và giám sát chặt chẽ sản lượng qua cảng… Đồng thời, phải phát triển hạ tầng đồng bộ để phục vụ nuôi biển và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Việc chuyển đổi nghề cho ngư dân là một giải pháp lâu dài và bền vững, giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế cộng đồng ngư dân. Các chính sách hỗ trợ, đào tạo và đầu tư sẽ là chìa khóa để ngư dân có thể chuyển đổi nghề thành công.

Chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Một trong những hướng chuyển đổi nổi bật là sang các hoạt động du lịch sinh thái đã được áp dụng thành công tại nhiều địa phương. Các khu bảo tồn biển như Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Vịnh Nha Trang… không chỉ giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn tạo ra cơ hội việc làm mới cho ngư dân thông qua các dịch vụ du lịch như vận chuyển khách tham quan, hướng dẫn viên du lịch, và kinh doanh dịch vụ ăn uống, homestay…

Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, địa phương cần xây dựng mô hình hợp tác xã thủy sản để nuôi trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Hợp tác xã này có thể phát triển đa dạng dịch vụ từ bảo vệ nguồn lợi, sản xuất, thương mại.

Một trong những ví dụ điển hình là Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông tại Bến Tre, nơi ngư dân đã chuyển từ khai thác thủy sản sang nuôi trồng thủy sản biển và phát triển dịch vụ du lịch. Hiện nay, hợp tác xã này đang quản lý 1.500 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và đã mang lại thu nhập ổn định cho hơn 3.000 hộ dân.

Tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhiều ngư dân đã chuyển từ nghề khai thác hải sản sang nghề vận chuyển khách du lịch hoặc mở các cơ sở lưu trú và phục vụ ăn uống cho du khách. Mô hình này không chỉ giảm áp lực khai thác thủy sản mà còn tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định hơn, đồng thời giúp bảo vệ tài nguyên biển cho các thế hệ sau.

Một giải pháp chuyển đổi nghề hiệu quả khác là mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mô hình này không chỉ giúp ngư dân tham gia vào bảo vệ nguồn lợi mà còn tạo điều kiện để họ chuyển sang các nghề sinh kế bền vững khác.

Thành phố Huế là địa phương triển khai các mô hình đồng quản lý khá sớm so với cả nước. Khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, thành phố Huế đã tiến hành rà soát, điều chỉnh các khu bảo vệ thủy sản được thành lập trước đây và xác lập thành 22 khu với trên 11.600 ha, chiếm 53% diện tích đầm phá; trong đó có 614,2 ha là diện tích bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) của đầm phá. Việc thành lập các Khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, giao cho các tổ chức cộng đồng là các Chi hội Nghề cá cấp cơ sở quản lý là sáng tạo trong thực tiễn thực hiện phương thức đồng quản lý trong nghề cá Việt Nam.

Sự thành công của các mô hình đồng quản lý đã góp phần làm giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi tự nhiên vùng Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, giảm xung đột trong cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác hải sản, giữa người dân với chính quyền địa phương.

Việc chuyển đổi sinh kế đã trực tiếp giảm áp lực khai thác tài nguyên vùng ven bờ, tạo điều kiện cho các loài thủy sản có thời gian phát triển, sinh kế mới vừa có thu nhập cao hơn vừa ổn định.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) áp dụng "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Việc chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng thủy sản bền vững và phát triển các mô hình sinh kế thay thế không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn khôi phục và nâng cao uy tín Việt Nam trong ngành thủy sản quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Thẻ vàng" của EC đòi hỏi thủy sản Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại một cách quyết liệt, mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện. Việc phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển sinh kế cho ngư dân.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-nghe-tao-sinh-ke-moi-ben-vung-cho-ngu-dan/360571.html
Zalo