Chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động - tưởng dễ mà khó!

Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2025 sẽ là một năm thị trường lao động có nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá. Đó là khi các thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao ở các quốc gia bắt đầu ổn định. Tuy vậy, thị trường lao động hiện nay với số đông là lao động trình độ thấp sẽ chịu áp lực không nhỏ khi ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh. Do đó, thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động.

Áp lực cuộc sống nên khó chuyển đổi nghề

Anh Nguyễn Văn Vân (45 tuổi, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), sau nhiều năm làm việc tại một công ty xây lắp dân dụng mới đây đã nghỉ việc và chuyển hẳn sang chạy xe công nghệ. Theo chia sẻ của anh Vân, suốt mấy năm dịch COVID-19, công ty không có việc làm nên chỉ trả người lao động một khoản lương để duy trì cuộc sống.

Nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi.

Nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi.

Từ cuối năm 2023, công việc cũng nhúc nhắc trở lại nhưng thu nhập của người lao động không cao, chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng. “Rất nhiều thứ chi tiêu, cùng với đó con lớn đang học đại học, con thứ hai cũng đang học cấp 3. Thu nhập đó không đủ để chi tiêu cho gia đình. Để đảm bảo cuộc sống, tôi phải đăng ký chạy xe ôm công nghệ sau giờ làm. Sau một thời gian chạy xe ôm công nghệ, thấy thu nhập cũng tốt nên đến giữa năm 2024 tôi nghỉ việc và chuyển sang chạy taxi công nghệ”, anh Vân cho biết.

Khi được hỏi, tại sao anh không học để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp tìm kiếm công việc tốt hơn, hoặc chuyển sang một ngành nghề nào đó khác, anh Vân cho hay, khó khăn lớn nhất với người lao động như anh là áp lực tài chính. Là lao động chính trong nhà nên áp lực chi phí gia đình, tiền học cho các con, khó có thể bỏ tiền và thời gian dài ra để đi học. Học chuyển đổi nghề phải mất thời gian và một khoản đầu tư, trong khi đó chạy xe công nghệ có thu nhập ổn ngay lập tức và linh hoạt thời gian.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Vân là một ví dụ cho thấy, việc học nâng cao trình độ hay học thêm kỹ năng mới để chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động tưởng dễ mà cũng khó. Nguyên nhân là bởi áp lực từ cuộc sống khiến họ không thể dành thời gian cho việc nâng cao kiến thức, kỹ năng. Với lao động mất việc, phần lớn vẫn chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tham gia học nghề.

Việc này thể hiện rõ qua thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều năm qua chỉ có chưa đầy 4% lao động mất việc tham gia học nghề. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi tháng có gần chục nghìn người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng số người quyết định tham gia học nghề chuyển đổi nghề nghiệp thì lại rất ít. Tính cả năm 2024, chỉ có hơn 1.000 người nhận hỗ trợ học nghề để tìm kiếm việc làm mới.

“Đa phần lao động mất việc là lao động có trình độ tay nghề thấp, vì thế để họ quay trở lại thị trường lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, thì vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, qua theo dõi thời gian dài thì dù được tư vấn nhưng đa số người lao động khi mất việc chỉ đến trung tâm nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không lựa chọn học nghề, dù đó là quyền lợi mà người lao động được hưởng”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ.

Đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề là tất yếu

Theo đánh giá của Cục Việc làm, thị trường lao động Việt Nam bước vào năm 2025 có rất nhiều kỳ vọng. Điều này dựa vào việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện là địa điểm thu hút FDI hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lao động không có trình độ mất việc có thể gia tăng, thu nhập giảm sút.

“Lực lượng lao động cũng có nguy cơ giảm khi người lao động rời bỏ thị trường vì cơ hội việc làm mất đi khi sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học… Thách thức lớn nhất có lẽ là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động hạn chế. Đồng thời, kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm”, TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm nhận định. Do đó, theo TS Vũ Trọng Bình, để bắt kịp tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, thị trường lao động cần vượt qua những thách thức, giới hạn hiện tại. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động, giúp cho dịch vụ việc làm phát triển.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động trong bối cảnh hiện nay là tất yếu để người lao động không bị gián đoạn về việc làm. Thị trường lao động hiện nay có nhiều biến động. Có nghề mới xuất hiện, một số nghề mất đi hoặc chuyển hóa. Do đó đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đào tạo cần chủ động đề xuất, có sự tham gia doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chính sách pháp luật về đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động để kịp thời giải quyết bức xúc của công nhân, lao động về nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề. Cùng với đó, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động là hết sức quan trọng để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.

Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo, bồi dưỡng. “Chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động. Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở nhu cầu về lao động chuyển đổi nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp phù hợp có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt về kiến thức, kỹ năng nghề”, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương khuyến nghị.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/chuyen-doi-nghe-nghiep-cua-nguoi-lao-dong-tuong-de-ma-kho--i757010/
Zalo