Chuyển đổi năng lượng - 'thế khó' của Nhật Bản

Nhật Bản đang cân nhắc đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng lớn nhất của đất nước vào năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2040.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. AFP/TTXVN

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. AFP/TTXVN

Để đối phó với những tác động từ bên ngoài, như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, ảnh hưởng tới nền kinh tế và người tiêu dùng nội địa, Chính phủ Nhật Bản trong năm 2022 đã triển khai trợ cấp cho lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và điện và coi đây là các biện pháp kích thích ngắn hạn. Tới cuối năm 2024, các khoản trợ cấp vẫn đang được gia hạn, gây cản trở đối với nỗ lực giảm phát thải carbon của nước này.

Ngày 22/11 vừa qua, nội các Nhật Bản đã phê duyệt gói kích thích kinh tế trị giá 21.900 tỷ yen (141,6 tỷ USD) nhằm khôi phục trợ cấp tiền điện và khí đốt cho người dân từ tháng 1-3/2025. Gói kích thích được khôi phục sau một thời gian đóng băng, khi liên minh cầm quyền giành được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ vì Nhân dân lấy lại thế đa số trong Hạ viện. Trợ cấp năng lượng là một phần trong thỏa thuận liên kết giữa đảng Dân chủ vì Nhân dân và liên minh đảng Dân chủ Tự do (LDP) – đảng Công minh (Komeito). Theo đó, liên minh cầm quyền đã đồng ý tiến hành các cuộc thảo luận về việc tạm thời cắt giảm thuế xăng dầu.

Song song với việc cung cấp hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, các biện pháp như vậy khuyến khích tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này trái ngược với những nỗ lực gần đây của Nhật Bản hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo thay vì duy trì năng lượng truyền thống. Nhưng đáng tiếc là cho tới nay, các nhà lãnh đạo tại quốc gia Đông Á này vẫn không có biện pháp để giải quyết tình trạng giá năng lượng cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các khoản trợ cấp cũng đi kèm chi phí lớn - hỗ trợ cho hóa đơn tiền điện, khí đốt và xăng kể từ năm 2022 đã vượt quá 11.000 tỷ yen.

Chuyên gia tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính Nhật Bản, Michiyo Miyamoto, nhận định: “Giá điện cao do phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Do đó, các khoản trợ cấp này chỉ nên là biện pháp khẩn cấp tạm thời chứ không phải là giải pháp hỗ trợ hiệu quả để giảm gánh nặng kinh tế dài hạn cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Khoản chi phí khổng lồ

Hỗ trợ tài chính của Nhật Bản dành cho nhiên liệu hóa thạch không chỉ bao gồm các khoản trợ cấp quen thuộc để giảm hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình, mà còn bao gồm các biện pháp nhằm hỗ trợ việc thăm dò, khai thác tài nguyên và tăng dự trữ. Nhật Bản cũng là một trường hợp hiếm hoi trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn trợ cấp cho than - loại nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các khoản trợ cấp của Nhật Bản lên tới 3.900 tỷ yen vào năm 2022, khi cuộc khủng hoảng năng lượng đạt đỉnh điểm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn nhiều - 310 tỷ USD, hay khoảng 48.000 tỷ yen theo tỷ giá hiện tại. Việc tính toán các khoản trợ cấp có thể khác nhau không chỉ dựa trên phương pháp cơ bản mà còn tùy thuộc vào việc chúng có bao gồm các khoản trợ cấp “ngầm” hay không.

Hoạt động hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch vẫn đang diễn ra trên toàn cầu

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất hỗ trợ tài chính cho nhiên liệu hóa thạch. Trên toàn cầu, tổng số tiền trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 là 1.480 tỷ USD theo OECD và 7.000 tỷ USD theo IMF. Trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhật Bản xếp thứ ba theo OECD, sau Italy và Anh, và đứng thứ hai sau Mỹ theo IMF.

Tác hại của việc duy trì nhiên liệu hóa thạch

Nhật Bản đã cam kết loại bỏ một số khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản đã cam kết loại bỏ một số khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: THX/TTXVN

Có nhiều lý do chính đáng để các chính phủ nỗ lực hơn nữa trong việc giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, bên ngoài lời giải thích về chi phí tài chính cao.

Các khoản trợ cấp khuyến khích việc tiếp tục sử dụng những tài nguyên có giá cả biến động, khan hiếm ở Nhật Bản đang góp phần vào biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm không khí và hủy hoại môi trường, trong khi không có nhiều nỗ lực giải quyết các vấn đề này. Đồng thời, duy trì năng lượng hóa thạch rõ ràng sẽ làm suy yếu mục tiêu của thuế carbon, vốn mang lại trung bình 262 tỷ yen (1,7 tỷ USD) mỗi năm cho Chính phủ Nhật Bản.

Những giải pháp phù hợp

Chuyên gia Miyamoto phác thảo bốn giải pháp mà Chính phủ Nhật Bản có thể làm để giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Đó là đưa ra chính sách năng lượng rõ ràng; thiết lập kế hoạch và mốc thời gian rõ ràng để xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp lưu trữ; và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc xe điện.

Những bước đi như vậy sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về định hướng năng lượng và cho phép họ lập kế hoạch phù hợp. Vị chuyên gia này lý giải: “Nếu chúng ta trì hoãn việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, điều đó về lâu dài cũng sẽ trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng, cả hộ gia đình và doanh nghiệp, các ngành công nghiệp trong tương lai, bởi vì hiện nay chi phí năng lượng tái tạo đang dần giảm trên toàn cầu”.

Về điểm đầu tiên, chính sách năng lượng của Nhật Bản hiện đang thay đổi. Các quan chức đang xây dựng Kế hoạch năng lượng chiến lược tiếp theo - dự kiến sẽ trình lên nội các vào đầu năm 2025 - và năm tới Nhật Bản sẽ đặt ra mục tiêu giảm phát thải năm 2035.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) của Nhật Bản đang cân nhắc đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng lớn nhất của đất nước vào năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2040. Trong một tín hiệu tương phản về tham vọng và nỗ lực từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thành viên G7 khác là Anh đang hướng tới mục tiêu hoàn toàn phi carbon hóa ngành điện vào năm 2030.

Cuối cùng, vấn đề trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và việc cắt giảm trợ cấp cần gắn liền với những câu hỏi về định hướng kinh tế của Nhật Bản. Hơn nữa, cũng cần phải tìm kiếm giải pháp hóa giải nỗi lo lắng lâu nay của nước này về khả năng tiếp cận tài nguyên, đặc biệt là về khả năng cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi năng lượng và khả năng của năng lượng tái tạo trong việc xoa dịu những lo ngại về an ninh năng lượng.

Chiến lược gia Okubo, người nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp năng lượng, chia sẻ: “Điều chúng ta thực sự cần thảo luận - không chỉ từ góc độ khí hậu mà còn về mặt an ninh năng lượng và cơ cấu ngành - là chúng ta thực sự muốn đạt được vị trí nào trong 10 đến 20 năm tới”.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-nang-luong-the-kho-cua-nhat-ban/354484.html
Zalo