Chuyển đổi năng lượng mang lại cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam
Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Quá trình chuyển đổi năng lượng được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kể từ đó, Việt Nam đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu này.
Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) nhận định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đến năm 2023, các nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 13% tổng lượng điện của cả nước. Đây là một bước nhảy vọt đáng kể so với mức ít ỏi chỉ vài năm trước đó. Thành công này được thúc đẩy bởi các chính sách, bao gồm biểu giá điện ưu đãi hấp dẫn cho các dự án năng lượng tái tạo, các khoản miễn thuế và giảm tiền thuê đất.
Bà Sunita Dubey nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng mang lại những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam. Về mặt kinh tế, các dự án năng lượng tái tạo giúp tạo thêm việc làm, bao gồm lắp đặt, bảo trì và chuỗi cung ứng. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), sự chuyển đổi năng lượng tái tạo trên toàn cầu có thể tạo ra 42 triệu việc làm vào năm 2050, trong đó Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể. Do đó, việc mở rộng quy mô các ngành năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam có thể phát triển lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.
Về mặt xã hội, việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống sẽ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách cắt giảm ô nhiễm không khí vốn ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đồng thời làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung, chẳng hạn như lưới điện mặt trời siêu nhỏ, có thể trao quyền cho cộng đồng nông thôn bằng cách giải quyết bất bình đẳng về năng lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Về lâu dài, vị thế dẫn đầu của Việt Nam về năng lượng tái tạo sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu truyền thống và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bà Sunita Dubey lưu ý: “Bằng cách liên kết các mục tiêu năng lượng với các chiến lược phát triển toàn diện, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà còn có nền kinh tế kiên cường và công bằng hơn”.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư xã hội. Theo bà Kitty Bu, Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á của GEAPP, chuyển đổi năng lượng là nền tảng để thúc đẩy đầu tư xã hội vì quá trình này thúc đẩy phát triển kinh tế liên kết, môi trường bền vững và công bằng xã hội. Bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, các quốc gia có thể thiết kế lại các hệ thống năng lượng để giải quyết các chênh lệch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tạo việc làm.
Tại Việt Nam, các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung như lưới điện siêu nhỏ năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện cho các vùng nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu năng lượng đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh tại địa phương. Các hệ thống này cho phép cộng đồng cùng sở hữu và hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, thúc đẩy chu kỳ tái đầu tư vào giáo dục, y tế và doanh nghiệp địa phương.
Nhìn chung, quá trình chuyển đổi năng lượng đem lại cơ hội việc làm cho nhiều người, thúc đẩy nền kinh tế xanh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và mở ra một tương lai tươi sáng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức. Cơ sở hạ tầng lưới điện không theo kịp tốc độ mở rộng nhanh chóng của công suất năng lượng tái tạo. Để giải quyết vấn đề này, cần phải đầu tư hơn nữa vào quá trình hiện đại hóa lưới điện, cũng như áp dụng các công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) để cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục.