Chuyển đổi cây trồng, phát triển HTX: Chìa khóa thoát nghèo bền vững ở Yên Khánh
Những năm gần đây, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, thành công của lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố nền tảng để huyện Yên Khánh “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế và tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác, HTX khẳng định dấu ấn đậm nét.
Chuyển đổi để thích ứng
Từng là địa phương thuần nông với nền sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào cây lúa, đời sống người dân Yên Khánh gặp không ít khó khăn do năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Trước thực trạng đó, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường.
Cụ thể, trong thời gian qua, huyện xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp. Các địa phương đã khảo sát kỹ điều kiện đất đai, khí hậu để định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp như dưa chuột, ngô ngọt, bí xanh, rau màu trái vụ… trên đất lúa kém hiệu quả.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chuỗi giá trị giúp nông dân, HTX ở Yên Khánh giảm nghèo, làm giàu.
Đến nay, toàn huyện Yên Khánh đã chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều vùng trồng chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa đã hình thành ở các xã Khánh Thành, Khánh Hồng, Khánh Công, Khánh An… Trong đó, lực lượng chủ lực là các HTX nông nghiệp kiểu mới.
Một trong những mô hình nổi bật là HTX Nông sản sạch Yên Khánh (xã Khánh Thành), với hơn 60 thành viên, chuyên sản xuất rau củ quả an toàn theo quy trình VietGAP. HTX hiện đang quản lý và khai thác hơn 20 ha đất canh tác, trong đó gần 70% diện tích được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.
Thành công trong chuyển đổi cây trồng đã mở ra hướng đi mới cho thành viên, hộ liên kết của HTX. Nếu như trước đây trồng lúa, mỗi sào thu được 500 – 700 nghìn đồng thì nay trồng rau màu, dưa chuột, cà chua trái vụ... thu nhập có thể gấp 2 – 3 lần. Ngoài ra, HTX hỗ trợ thành viên từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm nên thành viên yên tâm sản xuất.
Không chỉ tăng giá trị sản xuất, HTX Nông sản sạch Yên Khánh còn đang tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, phần lớn lao động là phụ nữ và người lớn tuổi – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.
Liên kết chuỗi, tăng giá trị gia tăng
Bên cạnh HTX Nông sản sạch Yên Khánh, nhiều HTX khác trong huyện cũng đang đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất cây dược liệu, Yên Khánh hiện có 3 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và canh tác, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Nổi bật có thể kể đến HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công, xã Khánh Công hiện có diện tích canh tác gần 15ha. Sau nhiều năm chuyển đổi canh tác và đưa các loại cây dược liệu vào sản xuất, đến nay, mô hình của HTX đã cho thấy sự thích nghi và hiệu quả rõ rệt trên đồng đất địa phương.
Với sự đồng hành của HTX và chính quyền ban ngành xã và huyện, toàn bộ khu canh tác cây dược liệu ở Khánh Công đã được đầu tư hệ đường giao thông nội đồng kiên cố, hệ thống máy bơm, kênh mương đảm bảo công tác tưới tiêu. Điều kiện canh tác thuận lợi, giá trị cây trồng cũng được nâng lên.

Yên Khánh dự kiến thúc đẩy nông nghiệp theo chuỗi giá trị để giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
“Chỉ tính riêng 1 sào trạch tả cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Hàng năm, ngoài vụ đông trồng cây trạch tả, chúng tôi còn tiến hành sản xuất 2 vụ lúa”, chị Xuân, một nông dân liên kết của HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công phấn khởi nói.
Hay như tại xã Khánh An, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Vinh đã chuyển đổi gần 15 ha đất lúa sang trồng bí xanh và ngô ngọt xuất khẩu. Nhờ ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp từ khâu giống đến đầu ra, HTX đã tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, đồng thời đảm bảo thu nhập bình quân 70 – 80 triệu đồng/ha/năm cho các hộ thành viên.
HTX Phú Vinh hiện cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, đồng thời huy động hàng chục lao động thời vụ mỗi vụ thu hoạch. Trong điều kiện nhiều thanh niên trong xã đi làm xa, đây là mô hình giữ chân lao động nông thôn hiệu quả.
Chuyển đổi gắn với giảm nghèo bền vững
Có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của các HTX nông nghiệp đang góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân Yên Khánh. Đóng vai trò không nhỏ trong thành công này là các chương trình hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Một trong những chương trình nổi bật là việc hỗ trợ HTX nông nghiệp Đông Mai (xã Khánh An) liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu, tiến hành khảo sát và triển khai mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững tại HTX Đông Mai.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ và thành viên HTX.
Các chương trình đào tạo tập trung vào các nội dung như quản lý điều hành, kế toán HTX, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường… Những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt…
Nhờ sự hỗ trợ đồng bộ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, nhiều HTX tại huyện Yên Khánh đã đạt được những kết quả tích cực. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Với hàng loạt yếu tố cộng hưởng, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Khánh giảm đáng kể. Từ mức hơn 6% vào năm 2016, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống dưới 1,8%, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chuyển đổi cây trồng và phát triển HTX không chỉ giúp Yên Khánh khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai mà còn mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho người dân nông thôn. Từ những cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả ngày nào, giờ đây đã mọc lên những vựa rau xanh mướt, những nhà lưới hiện đại, những tổ hợp tác nhộn nhịp thu hoạch và sơ chế nông sản.