Chuyện dạy thêm, học thêm: Làm 'nguội' vấn đề 'nóng'
Càng gần đến thời điểm Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm học thêm có hiệu lực- ngày 14/2/2025, câu chuyện này càng trở nên 'nóng'.
Khoảng cách cả thập kỷ giữa hai bản thông tư
Cách đây 12 năm, vấn đề dạy thêm học thêm được điều chỉnh bằng Thông tư số 17/2012/TT-BGDDT (ngày 16/5/2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khoảng thời gian kéo dài đến 12 năm để cho ra đời được những quy định mới về dạy thêm, học thêm đã đủ cho thấy cơ quan soạn thảo đã trăn trở, tính toán để những quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực trong tuần tới có thể “gỡ” được một câu chuyện liên quan trực tiếp đến các thày cô, các vị phụ huynh cùng hàng triệu học sinh.
Cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, việc dạy thêm học thêm chưa bao giờ hết "nóng" không phải là mới mẻ gì với giáo dục. Việc tồn tại cái “nóng” đó qua nhiều năm nay cũng chẳng phải là một chuyện vui vẻ từ góc độ nhà quản lý lẫn các bậc phụ huynh cùng những ai quan tâm đến sự thăng tiến của nền giáo dục nước nhà.
Xét trên những góc độ đó thì việc những quy định mới được xây dựng trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT khó có thể mang được vai trò “cây đũa thần” để giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm học thêm.
Tuy nhiên xét một cách công bằng, những quy định mới của Thông tư 29 đã cố gắng trong việc tạo dựng và bảo vệ hình ảnh cao quý, thậm chí mang tính tôn nghiêm cho nhà giáo Việt Nam, theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Thưởng- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng đó giúp hình thành khả năng tự học, xây dựng xã hội học tập suốt đời; học thêm không ảnh hưởng đến học chương trình phổ thông chính khóa trong nhà trường như không cắt xén, trùng lắp; phù hợp lợi ích của học sinh, không ép buộc học sinh học thêm bất cứ hình thức nào.
![Việc dạy thêm, học thêm cần được bảo đảm đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_35_51429217/699cf2fbc8b521eb78a4.jpg)
Việc dạy thêm, học thêm cần được bảo đảm đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa.
Điểm lớn nhất của Thông tư 29 là lời giải đáp dứt khoát cho vấn đề không cấm nhà giáo dạy thêm mà chỉ cấm những hoạt động dạy thêm không đúng quy định. Cùng đó điểm mới rất đáng chú ý xuyên suốt các quy định của Thông tư 29 là hướng mạnh tới người học, theo đó dạy thêm học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh.
Làm tốt hơn công tác truyền thông
Những ngày qua, càng gần đến ngày Thông tư 29 có hiệu lực không ít phụ huynh bỗng bị xâm chiếm bởi những thông tin cho rằng sẽ phải dừng chuyện dạy thêm, rằng con mình sẽ không được học thêm dẫn đến không ít sự lo lắng, rồi chạy đôn chạy đáo để tìm thày tìm cô cốt sao bảo đảm cái liên tục của các lớp dạy thêm cho con em mình.
Phụ huynh đã vậy, với các thày cô nhiều người cũng “tâm trạng” với những quy định mới sẽ được Bộ cho áp dụng. Nhỏ thì từ chỗ tổ chức lớp dạy thêm vốn đơn giản thì nay phải làm sao để cho “chuẩn chỉnh” hơn. Lớn hơn thì quyền lợi của mình sẽ được giải quyết như thế nào nhất là khi có thêm sự có mặt của các trung tâm mang tính trung gian.
Thực tế này cho thấy lý ra cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông về những nội dung của Thông tư 29 với một vấn đề liên quan, thậm chí là “đụng chạm” đến quyền lợi của nhiều đối tượng như dạy thêm học thêm.
Thêm nữa là thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực (ngày 14/2/2025) trùng với thời điểm giữa học kỳ II, khi mà việc tăng cường bổ trợ kiến thức được tăng tốc tối đa, nhất là với các học sinh cuối cấp thì đây là thời điểm để thày cô “chốt” các kiến thức để bước vào các kỳ thi vốn được gọi là “sinh tử”. Đây là điểm cần được có các hướng dẫn cụ thể để tránh tạo ra các thiệt thòi cho các học sinh, nhất là học sinh lớp 9 và 12.