Chuyện Cựu chiến binh trồng rừng cho trăm năm sau
Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Tây Sơn đã phát triển nhiều mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nổi bật trong số đó có CCB Lý Tấn Tin (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú) - một CCB không chỉ vay vốn làm kinh tế hiệu quả mà còn có ý tưởng cao đẹp khi thực hiện được việc trồng rừng bản địa, rừng cây gỗ quý để bảo vệ môi trường sinh thái cho cả trăm năm sau
Khá lên nhờ rừng keo, bạch đàn
Sinh năm 1952, năm 1976, ông Tin tham gia nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 332 (An Khê, Gia Lai). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, ông gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, kinh tế gia đình eo hẹp… nhưng với tư chất người lính Cụ Hồ, CCB Lý Tấn Tin luôn trăn trở là phải tiếp tục bật dậy bằng chính sức lao động của mình. Nghĩ là làm, năm 1997 ông Tin vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thông qua hội CCB xã Tây Phú để trồng keo và bạch đàn trên diện tích 11 ha đất của gia đình.
Năm 2002, một phần diện tích rừng trồng của gia đình ông bắt đầu cho khai thác lứa gỗ đầu tiên. Tiền bán gỗ, củi thu được, một phần ông Tin trả nợ số tiền vay đầu tư rừng những năm trước, một phần ông tiếp tục đầu tư trồng rừng mới ngay sau khi khai thác.
Đất rừng không bỏ trống, luôn được khoác lên mình một màu xanh bởi những lứa rừng mới được trồng kế tiếp. Nhờ chăm chỉ, chịu khó cộng cùng với việc áp dụng các thành tựu khoa học trong trồng, chăm sóc rừng, kinh tế gia đình ông Tin ngày một khá lên trông thấy. Ông Tin tâm sự: “Nhờ Hội CCB xã, huyện động viên, giúp đỡ phần nào về vốn, vợ chồng tôi mới dám “liều” để bám rừng làm kinh tế.
Cánh rừng cho trăm năm sau
Được ông dẫn tham quan khu rừng của gia đình, tôi không khỏi say mê khi nhìn khu rừng xà cừ vun vút vươn giữa trời xanh.
Trước những thắc mắc của tôi về khu rừng hơn 20 năm này, ông Tin kể, sau khoảng 10 năm trồng keo, bạch đàn, khai thác gỗ nhỏ cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ theo kiểu “ăn xổi ở thì”, ông nhận thấy trồng rừng khai thác gỗ nhỏ thu nhập vẫn chưa cao, keo lai lại có nhiều khả năng sẽ hút hết độ phì nhiêu, gây bạc màu đất. Cho nên nếu cứ chỉ trồng keo lai cũng không ổn bỡi lẽ phát triển và khai thác rừng phải có tính bền vững, nếu vì món lợi trước mắt mà sau đó gây bạc màu đất, phá hoại môi trường sinh thái bền vững lâu nay thì đó chính là điều “lợi bất cập hại”.
Đau đáu, trăn trở nhiều, ông Tin chuyển 6 ha đất trồng keo lai, bạch đàn sang trồng cây gỗ lớn là xà cừ. Để có thể trồng và giữ cây bản địa, cây gỗ quý lâu dài đến hàng trăm năm, ông Tin vay thêm 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách thông qua hội CCB xã Tây Phú để đầu tư trồng xen canh 100 cây chanh, 1.000 gốc măng điền trúc, kết hợp nuôi 100 con gà và 20 con heo đen...Từ chanh, măng, heo và gà, gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm
Ông Tin tự hào cho biết, cuộc sống rồi ai cũng qua đi, nhưng bản thân ông muốn để lại nhiều hơn cho đời sau. Hiện những cây xà cừ của ông có cây đường kính lên đến khoảng 0,6 m. Qua tính toán sơ bộ, nếu bán có thể thu về hơn 2,5 tỷ đồng. Nhưng nghĩ đến chuyện chặt rừng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, khí hậu, ông lại không nỡ.
Với ông Tin, giá trị kinh tế là giá trị hữu hình có thế nhìn thấy được, nhưng giá trị lớn hơn là giá trị về hệ sinh thái thì không ai có thể cân đo đong đếm được. “Rừng cây này được trồng vĩnh viễn để bảo vệ môi sinh, không khai thác, đó là điều tôi muốn làm và tôi sẽ tiếp tục làm. Hiện còn 5 ha đang trồng keo, bạch đàn, tôi dự kiến sau thu hoạch keo và bạch đàn đợt tới sẽ tiếp tục trồng cây me tây, xà cừ, và trắc đỏ...giá trị kinh tế cao, vừa giữ hệ sinh thái”, ông khẳng định.
Hiện tại, ông Tin mong muốn được hỗ trợ thêm kinh phí, hỗ trợ về nghiệp vụ để ông có thể thực hiện được mô hình làm nông - lâm nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ; tạo được những giá trị lớn hơn, vừa tăng thu nhập vừa góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, đảm bảo được mục tiêu giữ rừng và bảo tồn những loài cây gỗ quý.
Ông Thái Văn Thạnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Tây Sơn, nhận xét: thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch các loại cây bản địa như xà cừ, trắc đỏ khá dài, nên ở địa phương chưa ai mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, cách lấy ngắn nuôi dài như ông Tin đã gợi lên một lối đi có lý. Rõ ràng rừng không chỉ là tài sản quý giá mà còn là phần không thể thiếu trong cuộc sống bền vững của con người. Từ những thảm họa thiên tai gần đây, người ta bắt đầu nhận thức lại về vai trò của rừng cây gỗ bản địa với biến đổi khí hậu và ô nhiễm nên việc làm của CCB Lý Tấn Tin có ý nghĩa rất lớn.
Với những nỗ lực và kết quả đạt được, ông Lý Tấn Tin được các cấp hội CCB tặng nhiều bằng khen, giấy khen; năm 2018, ông được Trung ương hội CCB tặng danh hiệu hội viên CCB sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi cấp Trung ương, liên tục các năm sau đó, ông được hội CCB tỉnh công nhận đạt danh hiệu SXKD cấp Tỉnh.