Chuyện chưa kể về cuộc chạy đua với thời gian của Phó trưởng Công an huyện để tìm kiếm người dân thôn Nậm Tông

Sau nhiều ngày mưa lớn, trưa 10/9, ngọn núi thuộc địa bàn thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) bất ngờ đổ sập xuống. Trong phút chốc, hàng nghìn khối đất, đá, cây cối theo dòng suối trôi xuống, san phẳng nơi sinh sống của các hộ dân thuộc thôn Nậm Tông. Vụ sạt lở đã cuốn lấp 8 nhà dân, làm 18 người chết và mất tích…

Nhật ký cứu hộ, cứu nạn

13h15 ngày 10/9, Công an huyện Bắc Hà nhận tin báo tại khu đồi cao thuộc thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 46km xảy ra vụ sạt lở khiến 15 hộ với 85 khẩu mất tích…

“Lúc này, trời mưa như trút nước; mực nước sông, suối dâng cao, các tuyến đường đi lại hầu hết đều bị cô lập… Song đứng trước tính mạng của người dân, lãnh đạo Công an huyện Bắc Hà đã nhanh chóng hội ý và quyết định cử cán bộ vào hiện trường, kịp thời hỗ trợ đồng bào” - Thượng tá Nguyễn Đức Cường, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà cho biết. Lúc đó, chẳng ai bảo ai, mỗi CBCS Công an huyện Bắc Hà đều hạ quyết tâm bằng mọi cách phải đến thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc trong thời gian sớm nhất.

“Đây là lần đầu tiên tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một cuộc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ nghiêm trọng như vậy nên khá căng thẳng và lo lắng. Bởi ngoài việc phải tiếp cận hiện trường sớm nhất thì sự an toàn của các thành viên trong tổ công tác cũng là vấn đề phải đặt lên hàng đầu” - Thượng tá Cường chia sẻ. Trước thời điểm các thành viên của tổ công tác lên đường, họ liêp tiếp nhận được những cuộc điện thoại chia sẻ; ai cũng lo lắng, căn dặn mọi điều… Hiểu được những lo lắng của CBCS đơn vị, đồng chí Cường đã động viên, khích lệ anh em rồi nhanh chóng lên đường giúp dân. Hành trang họ mang theo là những thứ đồ dùng cần thiết như áo mưa, đèn pin, cuốc, xẻng, lương khô, mì tôm… 13h40 cùng ngày, xe chở quân của đơn vị di chuyển, đưa Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà và 30 CBCS xuống đến địa phận giáp ranh của xã Bảo Nhai.

“Vào thời điểm này, tỉnh lộ 153 bị sạt lở nghiêm trọng…, không có phương tiện nào có thể di chuyển qua. Để nhanh chóng tiếp cận hiện trường, trong tình huống đó, lực lượng cứu hộ buộc phải đi bộ qua đoạn đường bị sạt lở trong mưa to. Sau đó, tiếp tục tăng bo, chuyển quân lên xe khác để di chuyển” - Thượng tá Cường nhớ lại. Sau hơn 1 giờ dầm mình dưới cơn mưa xối xả, khoảng 16h cùng ngày, họ đã đến được xã Cốc Lầu; lúc này, trời nhá nhem tối, nước sông dâng cao chảy xiết chưa có cách nào qua sông để tiếp cận hiện trường.

Lúc này, giao thông bị chia cắt, sóng điện thoại cũng không có, trách nhiệm chỉ huy đặt nặng lên đôi vai của Thượng tá Cường. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho CBCS, anh quyết định cho đoàn công tác dừng chân nghỉ qua đêm tại điểm trường cấp 2 xã Cốc Lầu rồi sáng sớm mai tìm cách di chuyển sớm. Tại điểm dừng chân, không có điện, cũng chẳng có nước, CBCS phải dùng đèn pin và nến; suất ăn là phần ăn cơm hộp đã chuẩn bị trước đó. Suốt đêm hôm đó, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà và đồng đội chẳng thể chợp mắt vì lo lắng cho sự an nguy của bà con. Ai cũng thấp thỏm lo âu, mong nước rút nhanh chóng để vào hiện trường, hỗ trợ các nạn nhân. Rạng sáng hôm sau, họ trở dậy, chuẩn bị quân tư trang tiếp tục di chuyển đến địa điểm bị sạt lở .

“Con sông Hồng cuộn đỏ đục ngầu, giận dữ chỉ trực chờ cuốn đi tất cả, điều đó cũng như một thử thách đối với lòng can đảm của lực lượng làm nhiệm vụ… Nguy hiểm là vậy nhưng với quyết tâm vào hiện trường một cách nhanh nhất, chúng tôi vẫn di chuyển” - Thượng tá Cường nhớ lại. Trong quá trình này, đoàn công tác của Công an huyện Bắc Hà đã nhận được sự phối hợp của lực lượng Quân đội, họ di chuyển dọc đường sông vào hiện trường.

“Xuồng chạy được 1km dọc sông Chẩy (vì tuyến đường chạy dọc sông chẩy bị sạt lở nghiêm trọng) thì chúng tôi tiếp tục hành quân bằng đường bộ vào hiện trường”, Thượng tá Cường nhớ lại. Lúc này, một tình huống phát sinh, tuyến đường chính dẫn vào hiện trường cũng bị sạt lở, không thể di chuyển. Sau khi cân nhắc, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà quyết định cho anh em đi theo đường vòng, leo ngược đồi dốc hơn 8km để vào hiện trường. Sau hơn 2,5 giờ ngược núi, có những đoạn trơn trượt ngã nhoài vào nhau, khoảng 10h30 cùng ngày, họ đã tiếp cận gần vị trí xảy ra sạt lở.

“Khi cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 3km nhưng người lính can trường là vậy cũng không giấu được những giọt nước mắt trước sự hoang tàn, đổ nát ở nơi đây. Những chiếc lán được người dân dựng tạm lên; những tiếng khóc hờ nghe nhói tim. Khi thấy cán bộ Công an huyện Bắc Hà, họ lại gần và khẩn thiết nhờ lực lượng Công an nhanh chóng tìm kiếm người nhà mất tích. Nén đau thương, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà và các thành viên trong tổ công tác nói với nhân dân “Bà con cứ yên tâm”… Rồi chưa kịp dựng lán trại sinh hoạt, với vai trò là chỉ huy đồng chí Cường đã cùng đồng đội bắt tay ngay vào việc.

“Vào thời điểm này, qua người dân cung cấp đã phát hiện có 5 đã người chết, 11 người bị thương và 13 người mất tích, 8 ngôi nhà biến mất hoàn toàn còn lại là bị đổ sập, đường vào hiện trường bị sạt lở cô lập - Thượng tá Cường nhớ lại. Sau khi hội ý cùng anh em, Thượng tá Cường quyết định cho anh em ăn lương khô sau đó di chuyển tiếp cận hiện trường. Các cán bộ tiếp tục phải đi bộ khoảng 2km qua các điểm sạt lở chênh vênh trên vách núi, lúc nào cũng có thể sạt lở. Vì thế, trong khi tổ công tác di chuyển thì thì lúc nào cũng phải cắt cử cán bộ cảnh giới, đề phòng xảy ra sạt, lở đất…

“Hiện ra trước mắt chúng tôi là một cảnh hoang tàn, đổ nát… Một nửa quả đồi sạt lở đổ xuống; một lượng đất rất lớn san phẳng khu dân cư rất hoang tàn, tang hoang ngổn ngang bùn đất vùi lấp lên các ngôi nhà bị sập đổ, có những nhà biến mất hoàn toàn do đất vùi lấp mà phía dưới là các nạn nhân xấu số. Gia súc gia cầm nằm chết bốc mùi, bên trên núi các điểm đứt gãy có nguy cơ tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bắc Hà (Lào Cai) phối hợp tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại thôn Nậm Tông.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bắc Hà (Lào Cai) phối hợp tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại thôn Nậm Tông.

Dùng các thân cây quế khô làm giường, chặt cành lá làm đệm

Không quản ngại nguy hiểm, Phó trưởng Công an huyện đã chỉ đạo các thành viên của tổ công tác nhanh chóng vẽ sơ đồ chi tiết hiện trường; đánh dấu các điểm có nghi ngờ nạn nhân nằm dưới để phục vụ cho công tác tìm kiếm. Trong quá trình này, anh luôn bố trí lực lượng cảnh giới phát hiện sạt lở đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm kịp rút khi sạt lở tiếp. Ngay trong buổi chiều đầu tiên với các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, Công an huyện Bắc Hà đã tìm được một nạn nhân bị đất đá vùi lấp. Sau khi tìm được nạn nhân, Thượng tá Cường đã phân công cán bộ lập biên bản xác nhận danh tính, kiểm tra dấu vết thương tích bên ngoài, sau đó giao nạn nhân cho gia đình mai táng theo quy định.

Kết thúc buổi chiều thứ nhất, anh chỉ đạo anh em rút quân về địa điểm tập kết để đảm bảo an toàn cho lực lượng. Trên đường đi về cả chỉ huy và anh em lấm đầy bùn đất, họ sử dụng nước chảy ra từ khe đá để uống và tắm giặt… Khi tổ công tác về đến địa điểm tập kết thì trời đã tối mịt, lúc này họ mới tìm một chỗ đất bằng phẳng, dựng tạm một chiếc lán. CBCS Công an huyện Bắc Hà dùng vải bạt mỏng che trời, chắn mưa; dùng các thân cây quế khô làm giường; chặt cành lá làm đệm. Giữa đêm tối, họ mặc kín áo mưa đi ngủ để tránh rét, chống muỗi…

“Càng về đêm, trời càng lạnh, chúng tôi đều bị mưa hắt vào người ướt sũng. Để tránh muỗi, có người dùng dầu gió xoa lên mặt, lên người rồi đốt lửa hong khô quần áo… Trong điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt, song có lẽ do qua một ngày làm việc mệt nhọc anh em vẫn ngủ say mặc cho mưa gió; mặc cho muỗi đốt”, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà chia sẻ. Những ngày tiếp theo, mọi hoạt động tìm kiếm được lặp đi lặp lại như thế tuy nhiên ngoài dùng chân tay đào bới tìm kiếm thi thể thì họ phải dùng mũi để phân biệt giữa mùi tử thi và mùi gia súc, gia cầm chết… Trong những ngày đó, bữa ăn chủ yếu của anh em là mì tôm… Có hôm mưa lớn, dù ngồi ở trong lán, nước mưa và nước mỳ tôm vẫn trộn cùng với nhau.

Từ ngày đầu tiên xảy ra vụ sạt sở đến hết ngày 15/9, trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn, song tổ công tác đã phối hợp cùng nhân dân tìm thấy 10 thi thể bàn giao cho gia đình mai táng. Đến ngày 16/9, khi máy xúc mới thông đường vào được đến hiện trường để phối hợp tìm kiếm; đồng thời, trung tâm lán trại nơi đóng quân đã có điện sáng, đồ tiếp tế đã được chính quyền và nhân dân tiếp tế lên thì Thượng tá Cường cùng các đồng đội lại lui về tuyến sau tiếp tục thực hiện nhiệm vụ…

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/chuyen-chua-ke-ve-cuoc-chay-dua-voi-thoi-gian-cua-pho-truong-cong-an-huyen-de-tim-kiem-nguoi-dan-thon-nam-tong-i747201/
Zalo