Chuyển biến trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2004, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm (PCTP) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, chú trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật (VPPL) về trật tự xã hội, qua đó đã góp phần kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng phân bón lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng phân bón lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCTP và VPPL; hàng năm UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTP và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCTP và VPPL. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương gắn kết chặt chẽ công tác PCTP và VPPL, đảm bảo an ninh trật tự với thực hiện công tác chuyên môn, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, những hạn chế, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, VPPL, bảo đảm an ninh, trật tự; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTP và VPPL. Điển hình như, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì hàng tháng đăng, phát 4 chuyên mục “An ninh xã hội”, “Pháp luật và đời sống”, phối hợp Công an tỉnh mở chuyên mục “Cảnh giác” định kỳ hàng tuần đăng, phát hàng trăm lượt tin, bài tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm; gương người tốt, việc tốt, những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCTP và VPPL trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân xây dựng, đăng, phát, chia sẻ các lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, hậu quả, tác hại của các hành vi VPPL, kết quả của lực lượng Công an trong đấu tranh PCTP. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết triển khai “Quy chế phối hợp phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Nam Định”, kế hoạch liên ngành phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030; tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thông báo về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, kỹ năng nhận biết và phòng tránh ma túy, bạo lực học đường; kiến thức về trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Cùng với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường công tác đấu tranh PCTP và VPPL. Trong đó, lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, không để xảy ra tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", băng nhóm tội phạm hoạt động công khai, lộng hành, gây bức xúc dư luận; điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn dư luận quan tâm; triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy hoạt động liên tỉnh với số lượng lớn; tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn bán hàng cấm, hàng giả... Điển hình như trong đấu tranh PCTP ma túy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an, Cảnh sát Biển, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong đấu tranh tội phạm, VPPL về ma túy trên địa bàn. Đã đấu tranh thành công 13 chuyên án, triệt xóa 12 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, 6 điểm phức tạp về bán lẻ ma túy, 4 điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Phát hiện, khởi tố 561 vụ, 715 bị can về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 3,7kg hê-rô-in, 8,5kg và 11.880 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng khác có liên quan.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; chủ động các biện pháp phòng ngừa VPPL, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trên các lĩnh vực an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy; trật tự an toàn giao thông; quốc phòng; khoa học và công nghệ; nông nghiệp; thương mại, hải quan, đầu tư; thuế, ngân hàng, kho bạc; y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm; lao động - thương binh và xã hội; tư pháp. Trong đó, nổi bật là trên lĩnh vực an ninh, trật tự, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở rà soát, phát hiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo các nghị định của Chính phủ; đã lập hồ sơ đưa 248 đối tượng vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 20 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, 11 đối tượng vào trường giáo dưỡng; 7 đối tượng vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; 251 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hay trên lĩnh vực xây dựng, đất đai, tài nguyên và môi trường, các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường; VPPL về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai hành lang bảo vệ đê điều; quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà. Lực lượng Công an phát hiện, xử lý 370 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, phạt 1,67 tỷ đồng, trong đó có 64 trường hợp vi phạm về tài nguyên khoáng sản, phạt 1,03 tỷ đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý 21 vụ vi phạm, phạt tiền 776,9 triệu đồng; Sở Xây dựng xử lý 4 vụ vi phạm, phạt tiền 700 triệu đồng.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCTP và VPPL. Năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 1.741/1.856 tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ giải quyết đạt 93,8%; thụ lý, điều tra giải quyết 1.431 vụ, 2.466 bị can, kết quả đã hoàn thành điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 1.202 vụ, 2.062 bị can, đang tiếp tục điều tra 189 vụ, 373 bị can, đều trong hạn luật định. Toàn tỉnh đã phát hiện 26.339 vụ việc vi phạm, xử phạt hành chính 27.239 trường hợp, phạt tiền 120,24 tỷ đồng. Kết quả trên đã góp phần đấu tranh, điều tra làm rõ tội phạm và ngăn chặn các hành vi VPPL, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/chuyen-bien-trong-cong-tacphong-chong-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-21f3735/
Zalo