Chuyện bắt cá ở bến Bạch Đằng

Một buổi sáng chủ nhật ngày hè. Thành phố nóng bức nên nhiều người đổ ra bến Bạch Đằng hóng gió. Một số người thả cần câu cá, cần câu quay tay hẳn hoi. Dù ngay cạnh đó là biển báo cấm câu cá của UBND phường Bến Nghé.

Nước đang lớn. Gió từ bên kia Thủ Thiêm thổi qua mát rượi. Những cần câu được vung lên. Thi thoảng mới có một con cá rô phi cỡ hai ba ngón tay dính câu. Người câu sung sướng reo lên. Người xem xung quanh cũng trầm trồ, chỉ trỏ.

Người ta câu cá có nhiều mục đích: để tiêu khiển, để cải thiện bữa ăn, để bán; dĩ nhiên, có người đi câu vừa ăn, vừa bán, vừa tiêu khiển. Dù khắp các con rạch, kênh trong nội thành đều có biển cấm câu cá!

Nhưng những người câu cá ở bến Bạch Đằng sáng chủ nhật hôm ấy đều phải chào thua trước một người đánh bắt cá có vẻ rất chuyên nghiệp. Một người đàn ông tầm bốn mươi tuổi lặng lẽ bước xuống sông thả một tay lưới còn mới. Anh kéo từ phía hãng đóng tàu Ba Son đến phía cầu xi măng ngay trước Bộ Tư lệnh Hải quân, dài chừng trăm thước. Thả lưới xong, anh vẫn ngâm mình dưới làn nước mát và nấp dưới chân cầu khoảng 20 phút thì bắt đầu thăm lưới. Ban đầu có vài người chờ xem, càng lúc có nhiều người xem và họ đi theo anh từ đầu lưới này đến đầu lưới kia. Bởi vì gần như cứ cách năm bảy bước chân là anh gỡ được một con cá. Cá rô phi chừng ba ngón tay. Cá trê bằng cườm tay trẻ con. Một vài con dính nhiều mắt lưới quá, anh không đủ kiên nhẫn gỡ nên đã kéo đứt lưới để nhanh chóng bỏ vào cái giỏ lưới mang theo bên mình. Sau vòng đầu tiên, anh đã có khoảng 3 kg cá.

Trên bờ, thằng nhỏ đi theo anh ngồi thơ thẩn dưới tàng phượng. Tôi đến làm quen và được biết thằng bé đã mười hai tuổi dù nhỏ thó như đứa trẻ lên mười và mới học lớp năm ở một trường phổ cập. Gia đình nó từ Hậu Giang lên Sài Gòn đã mấy năm và hiện đang ở trọ bên quận 7. Người cha bình thường đi làm hồ. Hôm nay, nghỉ làm nên đi giăng lưới kiếm chút cá về ăn…

Đến mười giờ sáng, sau một tiếng rưỡi thả lưới, giỏ cá của anh nặng trịch, tôi ước chừng 15 kg. Theo giá thị trường, số cá đó chắc cũng bằng tiền công hai ngày làm thợ hồ của anh. Mặc người xem bàn tán, anh vẫn bình thản gỡ lưới rồi lên bờ đi về.

Chắc những người câu cá không hề biết là thành phố hằng năm đều có thả hàng vạn con cá giống xuống kênh rạch. Không chỉ đó là hoạt động chính thức của chính quyền thành phố mà còn của các đoàn thể và có sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Như "Ngày hội thả cá bảo vệ môi trường" năm ngoái ở quận 3, đã có hơn 2 tấn cá giống được thả xuống dòng Nhiêu Lộc. Đó chính là cách để góp phần cải thiện môi trường sinh thái của các sông, rạch của thành phố.

Nhiều người đã nhìn thấy rõ sự hồi sinh của dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm… Trong sự hồi sinh đó, bên cạnh những hàng cây xanh, những bờ kè thẳng tắp, hay dòng nước trong lành chính là sự sinh sôi của những đàn cá.

Mưa đầu mùa, cá trên một số kênh rạch Sài Gòn chết rất nhiều. Điều đó được xác định là một rủi ro, có yếu tố tự nhiên. Còn những thiệt hại do con người gây ra mỗi ngày cũng không nhỏ, không chỉ làm tổn hại môi trường sống mà còn hủy hoại luôn thành quả mà bao người đã bỏ công sức, tâm huyết, trách nhiệm vào những dòng sông, kênh ở đô thị này.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-bat-ca-o-ben-bach-dang-196240629193154637.htm
Zalo