Chuột đực 'khiếp vía' trước mùi chuối: Phát hiện khoa học gây ngỡ ngàng

Một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học McGill ở Montreal, Quebec (Canada) đã bất ngờ phát hiện ra rằng chuột đực có phản ứng căng thẳng rõ rệt khi tiếp xúc với mùi chuối – một hiện tượng chưa từng được ghi nhận trước đó trong nghiên cứu về hành vi loài gặm nhấm.

Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu về mức độ hormone gây căng thẳng ở chuột đực khi chúng được đặt gần chuột cái đang mang thai hoặc cho con bú, các nhà khoa học nhận thấy nồng độ hormone này tăng đột biến. Nguyên nhân được xác định là do một hợp chất hóa học có tên n-pentyl axetat, vốn có trong nước tiểu của chuột cái. Trùng hợp thay, đây cũng chính là hợp chất tạo ra mùi hương đặc trưng của chuối.

Giáo sư Jeffrey Mogil, tác giả chính của nghiên cứu và hiện đang giảng dạy tại khoa Tâm lý học của Đại học McGill, cho biết: “Toàn bộ phát hiện này là một bất ngờ. Chúng tôi không chủ đích tìm kiếm nó mà chỉ tình cờ phát hiện khi đang thực hiện một thí nghiệm khác. Một trong các sinh viên trong phòng thí nghiệm nhận ra rằng những con chuột đực có hành vi rất lạ khi tiếp xúc với chuột cái đang mang thai.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong công bố nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích rằng chuột đực – đặc biệt là những con chưa từng giao phối – thường có xu hướng hành vi gây hấn nhằm gia tăng khả năng truyền tải gene của chúng. Để bảo vệ con non khỏi nguy cơ bị sát hại, chuột cái mang thai hoặc đang nuôi con tiết ra tín hiệu hóa học nhằm cảnh báo con đực tránh xa.

Theo giáo sư Mogil, chuột – giống như nhiều loài động vật có vú khác – phụ thuộc rất nhiều vào khứu giác để giao tiếp. “Chúng tôi đã từng ghi nhận nhiều tín hiệu mùi được truyền từ chuột đực sang chuột cái, thường liên quan đến hành vi giao phối. Nhưng ở trường hợp này, ngược lại, chuột cái phát ra tín hiệu cảnh báo, hoàn toàn không mang yếu tố tình dục. Đó là một lời đe dọa: hãy tránh xa con tôi, nếu không sẽ có xung đột xảy ra,” ông nói.

Để kiểm chứng giả thuyết về tác động của n-pentyl axetat, nhóm nghiên cứu đã mua dầu chuối – loại tinh chất phổ biến chứa hợp chất này – từ một siêu thị địa phương. Họ tẩm dầu chuối vào miếng bông rồi đặt vào lồng chuột đực. Kết quả cho thấy mức hormone căng thẳng ở chuột đực cũng tăng vọt, tương tự như khi chúng tiếp xúc với nước tiểu của chuột cái mang thai. Điều này cho thấy phản ứng stress ở chuột đực không phụ thuộc vào nguồn gốc của hợp chất mà do chính mùi hương đặc trưng gây ra.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận hiện tượng giảm đau ở chuột đực sau khi tiếp xúc với nước tiểu chuột cái hoặc mùi chuối. Hiệu ứng giảm đau này – do căng thẳng kích hoạt – được ghi nhận rõ ràng nhất ở những con đực chưa từng giao phối. Theo các nhà khoa học, điều này chứng minh rằng chuột đực không có quan hệ huyết thống là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với sự sống sót của đàn con so với chuột bố.

“Phát hiện này là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tín hiệu xã hội ở động vật có vú,” giáo sư Mogil nhận định. “Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng các loài động vật có vú giao tiếp với nhau phức tạp và phong phú hơn rất nhiều so với những gì con người từng nghĩ.”

Phượng Vũ (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuot-duc-khiep-via-truoc-mui-chuoi-phat-hien-khoa-hoc-gay-ngo-ngang/20250507095551622
Zalo