Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số: Ưu tiên những vấn đề cấp thiết
Qua thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt nhiều kết quả bước đầu, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được cải thiện.
Năm 2025, tỉnh ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết để thúc đẩy vùng DTTS phát triển bền vững.
Những kết quả nổi bật
Năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đề ra 26 chỉ tiêu quan trọng. Kết thúc năm 2024 đã có 23 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Một trong những chỉ tiêu nổi bật là tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,99%.

Tại Gia Lai, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,99% Ảnh: Hà Duy
Ông Phạm Anh Cường-Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty Điện lực Gia Lai) cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu tái định cư, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt nhu cầu sử dụng điện để kịp thời đầu tư kéo điện về tận nhà cho người dân. Bên cạnh đó, Công ty còn tiến hành kiểm tra, sửa chữa những đường dây xuống cấp, hướng dẫn người dân sử dụng điện đúng cách để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định. Có điện, diện mạo vùng DTTS cũng thay đổi hoàn toàn. Người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.
Ngoài ra, với sự lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đến nay, tỷ lệ thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 99,92%. Tại làng Klăh 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), 100% tuyến đường trong làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa.
Ông Rơmah Blớt chia sẻ: “Làng có 150 hộ, trong đó, 90% là người DTTS. Khi được tuyên truyền, vận động, bà con đều đồng lòng hiến đất để làm đường. Từ những con đường đất rộng khoảng 5 m, dân làng đã tự nguyện dời hàng rào vào mỗi bên khoảng 1,5 m nữa để xây dựng đường bê tông, đường nhựa rộng rãi, giúp việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn”.
Một chỉ tiêu quan trọng khác mà Gia Lai đạt được trong năm qua là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đạt 4,39%, vượt chỉ tiêu 1,39%. Đây là kết quả ấn tượng sau nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tại huyện Krông Pa, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024 là 3,49% (vượt 0,49%); trong đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS là 4,82% (vượt 0,43% chỉ tiêu).
Có được kết quả này là nhờ gần 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với gần 480 hộ nghèo và hộ cận nghèo được thụ hưởng.
Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: “Thời gian qua, huyện đã chủ động triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình một cách kịp thời và lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội cũng đạt được kết quả như: tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 94,5%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,7%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt 100%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 98,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 97,1%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS đạt 93,4%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 84,2%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 97,8%...
Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng DTTS

Làm đường giao thông ở làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Ảnh: N.H
Ngày 6-3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã ký ban hành Kế hoạch số 514/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2025. Kế hoạch có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương ứng với từng nhiệm vụ, nội dung thành phần của chương trình; đồng thời, chú trọng công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện để bảo đảm tiến độ; phát huy hiệu quả nguồn lực trong triển khai thực hiện.
Theo đó, bên cạnh những hoạt động hỗ trợ thường xuyên khác, năm 2025 có một số nội dung cấp thiết được ưu tiên triển khai. Trước tiên là hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi (nội dung 3, Tiểu dự án 2, Dự án 3). Trong đó, với nhiệm vụ tổ chức hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy và tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh giao Sở Dân tộc và Tôn giáo tổ chức 5 lớp tập huấn về các nội dung có liên quan; Hội Nông dân tỉnh tổ chức 1 phiên chợ nông sản và 3 lớp tập huấn về thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; Tỉnh Đoàn tổ chức 1 chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS và tuyên dương thanh niên vùng đồng bào DTTS khởi nghiệp tiêu biểu; Liên minh Hợp tác xã tổ chức 2 lớp tập huấn về hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy và tiêu thụ sản phẩm; Sở Công thương tổ chức 1 hội chợ, 2 phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Năm 2025, Gia Lai tập trung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ cho người dân ở vùng DTTS và miền núi. Ảnh: Hà Duy
Đối với công tác hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, năm 2025, huyện Chư Păh hỗ trợ 1 mô hình; huyện Mang Yang hỗ trợ 5 mô hình, huyện Phú Thiện hỗ trợ 1 mô hình.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Việc tổ chức giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ hỗ trợ bà con làm quen với hoạt động kinh doanh, từ đó mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào DTTS đến với khách hàng.
Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách, các doanh nghiệp tham gia vào các dự án hỗ trợ, đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; lồng ghép với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác.
Đặc biệt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, xã; tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc áp dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới để phát triển sản xuất, phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát huy tốt vai trò của người có uy tín, khả năng tham gia, giám sát, đánh giá của cộng đồng.