Chương trình 'Mẹ đỡ đầu': Điểm tựa bằng tình thương và trách nhiệm cho trẻ mồ côi
Sau 2 năm triển khai, Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đã được các cấp Hội ở nhiều tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân sẵn sàng đồng hành vì một mục đích nhân văn.
Giúp trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống
Chị Lý Thị Yên (thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) một mình nuôi hai con nhỏ do chồng mất sớm. Không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập của ba mẹ con chị Yên đều dựa vào mấy sào ruộng, nên việc lo ăn học cho các con luôn mà mối lo thường trực của người mẹ trẻ...
Khi Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được triển khai về các tỉnh, thành phố, hoàn cảnh của chị Yên được các Hội phụ nữ thành phố Lào Cai quan tâm, kết nối với các cá nhân, tổ chức tài trợ. Hai đứa con chị Yên được nhận đỡ đầu cho đến khi đủ 18 tuổi.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lào Cai Đồng Tố Nga, “Mẹ đỡ đầu” là một chương trình đầy tính nhân văn, đã thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ. Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, các cấp hội phụ nữ trên toàn thành phố đã tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ để mang yêu thương đến với những trẻ mồ côi, giúp các em có tương lai tươi sáng hơn.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Giang (Hưng Yên) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp cho các cháu mồ côi có thêm điểm tựa để vững vàng để vượt qua khó khăn và đây cũng là nhiệm vụ chính trị trong việc xây dựng nông thôn mới. Do vậy cần có sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Ngay từ khi Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được triển khai, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ huyện khảo sát, rà soát trên toàn địa bàn huyện và đã xác định có 153 cháu mồ côi có độ tuổi từ 2 đến 18 tuổi trong 129 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn cần được bảo trợ đỡ đầu. Thường trực Huyện ủy cũng trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để vận động đăng ký đỡ đầu trẻ mồ côi, giao Hội phụ nữ công khai danh sách, địa chỉ, hoàn cảnh của từng cháu trực tiếp làm việc với thủ trưởng các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; mở sổ theo dõi để thống nhất cách thức hỗ trợ theo tháng, quý, hoặc theo năm. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo Trung tâm văn hóa truyền thanh huyện tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vận động nhân dân, các nhà hảo tâm tham gia để có thêm nguồn lực, kết nối những tấm nhân ái đến với trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong huyện.
Đặc biệt, để chương trình Mẹ đỡ đầu tại huyện Văn Giang hoạt động hiệu quả bền vững, tại các kỳ họp giao ban khối dân vận với các ban ngành đoàn thể, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo các chi đảng bộ trực thuộc, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng chương trình, Hội phụ nữ thường xuyên báo kết quả để rà soát và bổ sung thêm các trường hợp phát sinh trên địa bàn cũng như đảm bảo việc 100% các trẻ mồ côi được nhận tiền hỗ trợ không để xảy ra thiếu sót. Đồng thời, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở phân công trực tiếp đỡ đầu trẻ mồ côi bằng các hình thức: Chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân, giúp các em có được hơi ấm tình thân từ người mẹ thứ hai là các cán bộ hội viên hội phụ nữ cơ sở.
Tính đến tháng 10/2023 có 109 cháu (100%) trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Văn Giang được nhận đỡ đầu, mỗi cháu được nhận hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng cùng với nhiều phần quà, nhu yếu phẩm thiết thực có ý nghĩa. Thời gian nhận đỡ đầu cho các trẻ mồ côi đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng, Công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình và đã giao Cục công tác đảng và công tác chính trị là đơn vị chủ trì, hướng dẫn thực hiện Chương trình trong toàn lực lượng, và xác định đây là một nội dung quan trọng trong công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Sau gần hai năm triển khai chương trình, các cấp Hội trong phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp và vận động gần 23 tỷ đồng, đỡ đầu 1.886 cháu mồ côi do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có 307 cháu mồ côi cả bố và mẹ, 315 cháu là người dân tộc thiểu số; 45 cháu là con liệt sĩ; 9 cháu có bố mẹ đang thi hành án phạt tù; một số cháu là nạn nhân của các loại tội phạm; nhiều cháu đang mắc bệnh hiểm nghèo… Các “Mẹ Công an” đã trở thành cầu nối, điểm tựa đầy tình thương và trách nhiệm để trẻ mồ côi mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng, công tác chính trị Ngô Hoài Thu cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông, quảng bá về Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên báo, đài, trang wed của công an các đơn vị, địa phương, trang Fanpage của Hội Phụ nữ Bộ Công an, Hội Phụ nữ các đơn vị trong toàn lực lượng. Trong đó tập trung chia sẻ những kinh nghiệm hay, biểu dương những gương điển hình trong quá trình triển khai chương trình mẹ đỡ đầu.
Hội Phụ nữ Công an các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo 100% Hội Phụ nữ cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, nội dung của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị, hội viên hội phụ nữ và nhân dân trong việc chung tay cùng xã hội quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, xã hội và sự ủng hộ của tất cả cán bộ, hội viên.
Để chương trình tiếp tục có hiệu quả trong thời gian tới, Thiếu tuớng Ngô Hoài Thu cho biết, thời gian tới Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục cho triển khai sâu rộng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp Hội Phụ nữ toàn lực lượng, giao đơn vị chức năng tham mưu định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; huy động sự vào cuộc trong chỉ đạo, ủng hộ và chung tay cùng thực hiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ chiến sĩ…
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều thách thức, khó khăn trong thực hiện chương trình, nhất việc theo dõi, giám sát, hỗ trợ trẻ mồ côi có thể bị thay đổi nguồn lực, bị ngắt quãng, không bảo đảm hỗ trợ đầy đủ, toàn diện lâu dài cho các con.
Để việc thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh đề xuất thêm một số chính sách về hỗ trợ miễn giảm học phí, trao bảo hiểm y tế cho trẻ em mồ côi… Đồng thời mong muốn các ngành, đơn vị tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tham gia góp ý để thực hiện tốt hơn nữa Chương trình đầy tính nhân văn này…