Chương trình khuyến công góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Công nghiệp nông thôn (CNNT) chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của mỗi địa phương. Việc công nghiệp hóa nông thôn không chỉ trực tiếp góp phần phát triển ngành công nghiệp mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Do vậy, thời gian qua, chương trình khuyến công của tỉnh tập trung hỗ trợ, thúc đẩy CNNT phát triển, góp phần hiện thực hóa Kế hoạch số 137-KH/UBND của UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xác định được tầm quan trọng của CNNT, Chính phủ đã có Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 27/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với tỉnh Sóc Trăng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 33-CTr/TU, ngày 8/3/2023 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Trên cơ sở đó, ngày 3/7/2023, UBND tỉnh có Kế hoạch số 137-KH/UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 33-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đồng chí Nguyễn Văn Luông - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong Kế hoạch số 137-KH/UBND, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách thương mại hàng nông, lâm, thủy sản theo quy định để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tỉnh. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Thực hiện chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, hoạt động khuyến công, triển khai thực hiện Đề án Giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp… Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản. Hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp, UBND tỉnh yêu cầu, phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị, tích hợp đa giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tổ chức định kỳ thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo để tập trung giới thiệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, nhất là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khởi nghiệp đối mới sáng tạo thông qua việc lồng ghép triển khai các kế hoạch, đề án thuộc lĩnh vực liên quan nhằm góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Cụ thể hóa nhiệm vụ được giao, các giải pháp theo kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành, thời gian qua Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (gọi tắt Trung tâm) triển khai thực hiện các chính sách khuyến công tập trung ưu tiên cho các địa phương, đối tượng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm thực hiện hoàn thành 14 đề án với tổng kinh phí thực hiện trên 8,9 tỷ đồng, trong đó chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 2 đề án với số tiền trên 2,6 tỷ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp gần 3,3 tỷ đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 12 đề án với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, kinh phí đóng góp của đơn vị thụ hưởng gần 1,4 tỷ đồng.
Theo đó, chương trình khuyến công chủ yếu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Kết quả, trong năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ 13 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tham gia hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT tiêu biểu. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lập hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, qua đó góp phần quảng bá, nâng chất lượng, uy tín cho các sản phẩm CNNT của tỉnh.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hứa Ngọc Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), bà Hồng Thị Thanh Thủy cho biết, nhờ chương trình khuyến công mà công ty có cơ hội đầu tư máy tách màu gạo trị giá 780 triệu đồng (trong đó nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại doanh nghiệp đối ứng), 7 máng, công suất 5 - 7 tấn/giờ. Máy có khả năng nhận dạng và phân loại gạo cực tốt, tránh được tình trạng gạo không đều màu. Nhờ đó sản phẩm đảm bảo chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu cao của những khách hàng khó tính, giá bán cạnh tranh hơn.
Ông Âu Hoàng Tuấn - Chủ hộ kinh doanh sản xuất bánh kẹo Hiệp Phát, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) là một trong những doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng chương trình khuyến công phấn khởi cho biết, do sản xuất quy mô nhỏ nên công đoạn đóng gói chỉ sử dụng máy móc công nghệ cũ, hiệu quả không cao. Đến khi được chương trình khuyến công đồng hành, cơ sở đã mạnh dạn đối ứng 275 triệu đồng, đầu tư mua mới máy đóng gói bánh pía, máy đóng gói kẹo, tổng trị giá 528 triệu đồng.
“So với máy đóng gói cũ, các máy mới có năng suất cao hơn, tỷ lệ lỗi sản phẩm thấp, quá trình gia nhiệt làm nóng nhanh, tỷ lệ hao hụt bao bì ban đầu ít. Qua đó, giúp đạt công suất 28,6 tấn sản phẩm/tháng (tăng 30% so với hiện trạng), sản phẩm chất lượng, thị trường tiêu thụ được mở rộng vì đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Đánh giá hiệu quả các chương trình khuyến công, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Luông khẳng định, chương trình khuyến công không chỉ giúp cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giúp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 3.313 hộ kinh doanh, tổ hợp tác và 499 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 44.721 lao động tại địa phương; tăng 45 doanh nghiệp và 58 hộ kinh doanh, tổ hợp tác sản xuất công nghiệp và 1.751 lao động so với năm 2022. Qua đó có thể thấy, cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực.
Hiện Sở Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai chương trình khuyến công năm 2024 với kinh phí dự kiến trên 7,8 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành 5/17 đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tin rằng, với sự đồng hành từ chương trình khuyến công sẽ tạo động lực cho cơ sở CNNT phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp, thu nhập, đời sống của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh theo nội dung Kế hoạch số 137-KH/UBND, ngày 3/7/2023 của UBND tỉnh.