Giá hộp mù bị 'thổi phồng' gấp đôi, gấp ba, người trẻ vẫn không ngại xuống tiền
Không còn xa lạ với giới trẻ, 'hộp mù' – hay còn gọi là 'Blind Box' đang trở thành trào lưu phổ biến trong cộng đồng sưu tầm đồ chơi những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phổ biến của loại hình sưu tập này đi kèm với tình trạng giá cả tăng cao, nhiều sản phẩm bị 'thổi' giá lên gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba so với mức giá niêm yết.
Niềm vui từ sự bất ngờ
Bạn Minh Hà, sinh viên năm cuối tại Hà Nội, chia sẻ về thú vui sưu tầm hộp mù của mình: “Mỗi khi mở hộp mù, cảm giác hồi hộp như đang chơi một trò chơi may rủi, không biết mình sẽ nhận được gì. Có khi là món mình thích, có khi lại là thứ mình chưa từng nghĩ đến. Cảm giác đó thực sự thú vị và khó cưỡng.” Với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, việc mở hộp mù không đơn thuần chỉ là một trải nghiệm mua sắm mà là khoảnh khắc hồi hộp và bất ngờ, như khám phá một bí ẩn.
Tương tự, Linh Đan (Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng hộp mù giống như một hình thức “săn kho báu”. Cô bạn đã dành không ít tiền để sưu tập các nhân vật trong bộ sưu tập Labubu đến từ "đế chế đồ chơi" Pop Mart. Linh Đan chia sẻ: “Có những nhân vật hiếm, nếu may mắn mở được, cảm giác còn phấn khích hơn cả việc mua một món đồ mình thích từ trước. Điều này làm cho quá trình sưu tầm trở nên thú vị và có phần thu hút hơn.”
Theo Linh Đan, các sản phẩm được săn đón nhất thường có giá bán trên thị trường rất cao. "Ví dụ như mẫu đồ chơi Labubu, giá niêm yết chính hãng là khoảng trên dưới 400.000, nhưng vì hàng khá hiếm nên hầu như không thể mua trực tiếp từ các cửa hàng phân phối hoặc sàn thương mại điện tử. Khi qua tay người bán lại, giá đã tăng lên tới 600.000 - 1 triệu đồng."
"Do lượng hàng rất khan hiếm trong khi nhu cầu lại cao, mình hoàn toàn không thể mua trực tiếp từ hãng. Ngay trong ngày mở bán, sản phẩm đã hết sạch trên các sàn thương mại điện tử chỉ sau 1-2 phút. Nhiều cửa hàng phân phối cũng gặp tình trạng hết hàng và phải chờ bổ sung từ vài giờ đến nửa ngày," Linh Đan cho biết. "Cuối cùng, sau một tháng săn lùng, mình mới mua được Labubu từ một người bán ở TP.HCM với giá lên tới 1.500.000 đồng, dù giá gốc chỉ loanh quanh 600.000 đồng."
Việc nhiều người sẵn sàng chi tiền để có những hộp mù hiếm đã đẩy giá thị trường lên cao. Theo Phương Thảo, một người bán hàng chuyên về đồ chơi sưu tầm tại Hà Nội, giá của một hộp mù thường có thể gấp đôi hoặc gấp ba lần giá niêm yết, đặc biệt là với các phiên bản giới hạn. Thảo giải thích: “Khi một nhân vật trong hộp mù trở nên nổi tiếng, đặc biệt là nhờ các nghệ sĩ hay người nổi tiếng yêu thích, giá của các sản phẩm này thường leo thang rất nhanh. Thậm chí có những nhân vật hiếm, nhiều người sẵn sàng trả giá gấp mười lần để sở hữu.”
Trong số các sản phẩm được săn đón nhất, dòng Skullpanda, Labubu là một ví dụ điển hình. Với thiết kế dễ thương và bắt mắt, các phiên bản giới hạn của những dòng đồ chơi này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ trên khắp châu Á. Một sản phẩm có giá niêm yết chỉ khoảng 400.000 đồng nhưng có thể tăng lên đến 1,5 triệu đồng khi được rao bán qua các kênh thương mại điện tử hay người bán trung gian.
Động cơ tâm lý và cảm giác hài lòng ngắn hạn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tâm lý học tiêu dùng, sự hấp dẫn của hộp mù nằm ở chính yếu tố bất ngờ, và đó là một chiến lược tâm lý rất thành công. Tiến sĩ Mai giải thích: “Khi người tiêu dùng mở hộp mà chưa biết bên trong là gì, họ sẽ trải qua cảm giác phấn khích và hồi hộp, kích thích dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hài lòng. Đây cũng là lý do mà những trò chơi may rủi hay các ứng dụng quay thưởng cũng rất thành công.”
Dù vậy, Tiến sĩ cũng cảnh báo rằng việc mua hộp mù có thể dẫn đến một dạng "nghiện mua sắm" ngắn hạn, khi người mua liên tục muốn thử vận may để trải nghiệm cảm giác phấn khích. Điều này khiến họ dễ chi tiêu quá mức, đặc biệt khi giá trị thực của các món đồ thường không cao như kỳ vọng.
Với nhu cầu tăng cao, thị trường hộp mù đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ một báo cáo về thương mại điện tử, doanh thu từ các sản phẩm hộp mù trên các sàn như Shopee và Lazada đã tăng 80% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đi kèm với nhu cầu đó là nhiều vấn đề, từ thao túng giá cả đến sản phẩm giả mạo.
Anh Hải Nam, một người chơi sưu tầm lâu năm tại TP.HCM, cho biết: “Nếu muốn sưu tập hộp mù, bạn cần phải tìm hiểu kỹ và mua từ những nguồn uy tín. Có lần, mình mua một hộp 'Crayon Shin-chan' (Shin - Cậu bé bút chì) từ một cửa hàng trực tuyến, nhưng khi mở ra, đồ chơi bên trong có chất lượng kém và màu sắc khác xa so với sản phẩm chính hãng.” Theo Nam, đây là bài học để anh chàng chỉ mua sản phẩm từ các cửa hàng chính thức hoặc qua những cộng đồng sưu tầm có uy tín.
Chị Thanh Phương, một người kinh doanh đồ chơi, cũng chia sẻ: “Giá cả của hộp mù bị đẩy lên một phần do chi phí vận chuyển và khan hiếm hàng. Tuy nhiên, không ít người bán lợi dụng nhu cầu của khách để ‘thổi’ giá. Việc này có thể làm ảnh hưởng đến thị trường khi người tiêu dùng bắt đầu mất niềm tin.”
Để tránh bị lợi dụng, Tiến sĩ Phương Mai khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi chi tiền cho hộp mù. Bà chia sẻ: “Thay vì mua theo cảm tính, người tiêu dùng nên xác định rõ giá trị của sản phẩm, đồng thời tìm hiểu về độ tin cậy của người bán và chỉ nên chi trả cho những sản phẩm thực sự khiến bạn thấy hài lòng.”